Hai biến thể phụ Omicron sắp thống trị ca nhiễm tại EU nguy hiểm đến đâu?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 13/6 cảnh báo, 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại các nước Liên minh châu Âu (EU).

Theo ECDC, mặc dù ở thời điểm hiện tại, phần lớn các nước EU đều ghi nhận tỷ lệ ca mắc 2 biến thể này ở mức thấp, song cũng có nước, như Bồ Đào Nha, đang ghi nhận số ca mắc 2 biến thể này tăng vọt.

Viện Robert Koch ((RKI) của Đức cũng cảnh báo, các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang phát triển nhanh hơn tất cả các biến thể khác, đồng thời kết luận rằng 2 biến thể này có thể sớm là nguyên nhân cho phần lớn các ca nhiễm ở Đức. Cụ thể, biến thể BA.5 đã chiếm 10% số ca lây nhiễm hiện tại, nhiều gấp đôi so với tuần trước.

Biến thể BA.5 từng gây lo ngại ở Nam Phi vào đầu tháng 5, nhưng làn sóng lây nhiễm sau đó tương đối nhỏ và hiện đang lắng xuống. Tuy nhiên, tại Bồ Đào Nha, BA.5 đã gây ra 80% tổng số ca nhiễm mới. Biến thể này dễ lây lan hơn các biến thể trước như BA.2. Cùng với việc khó xác định các kháng thể trung hòa hơn, BA.5 có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các biến thể phụ Omicron khác.

Theo báo Deutsche Welle (Đức), do sự gia tăng toàn cầu các trường hợp nhiễm Covid-19 bởi biến thể phụ BA.5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện xếp nó là một "biến thể đáng lo ngại".

ECDC lưu ý, điều quan trọng là mặc dù 2 biến thể phụ này không khiến người nhiễm gặp phải biến chứng nặng do Covid-19, song vẫn có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong, gây áp lực cho hệ thống y tế.

Nhìn chung, các chuyên gia y tế cộng đồng cho biết giải pháp đối phó với các biến thể vẫn như cũ: Khẩu trang, sát trùng tay, vaccine và các mũi tiêm tăng cường cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch.

RKI khuyến cáo, người cao tuổi và những người trong nhóm nguy cơ nên tiêm một loại vaccine tăng cường khác để thúc đẩy miễn dịch.