Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có hàng chục lăng mộ thờ cúng cá Ông (tức cá voi). Năm 2020, tại di tích Lăng Tân (thôn Đông An Vĩnh), hai bộ xương cá Ông có niên đại trên 200 năm đã được phục dựng hoàn chỉnh và trưng bày.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là 2 bộ xương cá Ông lớn nhất Việt Nam. Bộ lớn hơn có chiều dài trên 22m, được gọi là "Đồng Đình Đại Vương", trong khi bộ nhỏ hơn có chiều dài 18m được người dân gọi là "Đức Ngư Nhị Vị Tôn Thần".
Theo sử sách trên đảo, 2 cá Ông lụy bờ vào đầu thế kỷ 19. Sau khi 2 ông mất, trên đảo đã diễn ra lễ an táng rất lớn với sự tham gia đông đảo của dân vạn chài.
Người dân không chôn lấp mộ mà để xác cá lộ thiên. Nhiều năm sau đó, họ dùng gầu hứng mỡ cá dần tan rã, cho vào các lu nước để lưu trữ. Khoảng 15 năm sau, thân cá còn lại xương. Khi đã rước bộ xương cốt vào lăng thờ phụng, người Lý Sơn dùng chính mỡ cá Ông bôi lên bộ xương để bảo quản.
Lăng Tân được xây dựng năm 1840 để rước 2 bộ xương cá Ông vào. Hàng trăm năm qua, người dân Lý Sơn duy trì làm giỗ, thờ cúng với lòng tôn kính.
Từ năm 2021, sau khi được phục dựng, 2 bộ xương tại Lăng Tân và tín ngưỡng nghi lễ thờ cúng cá Ông được huyện Lý Sơn khai thác, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ phục vụ khách tham quan đảo Lý Sơn.
Huyện Lý Sơn đã xác lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục để trình Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận 2 bộ xương cá Ông tại Lăng Tân là lớn nhất Việt Nam.