Từ thắng cảnh độc đáo
Vài năm trở lại đây, thắng cảnh Hòn Nhàn (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều du khách đến tham quan, khám phá bởi vẻ đẹp nên thơ, đặc sắc.
Vùng đảo đá này được tạo ra từ hoạt động phun trào và kiến tạo của vùng trầm tích núi lửa nên được ví như “Gành Đá Đĩa” thứ 2 - sau Gành Đá Đĩa của tỉnh Phú Yên. Xung quanh Hòn Nhàn có nhiều rạn san hô đa dạng màu sắc.
Hòn Nhàn cách bờ biển khoảng 10 - 15 phút đi tàu. Du khách có thể thuê phương tiện của người dân địa phương ra đây đón bình minh, hoàng hôn và hòa mình trong dòng nước biển trong vắt, nên thơ.
"Thắng cảnh Hòn Nhàn ngày càng thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ. Mỗi tuần, ca nô của tôi đưa đón 2 - 3 đoàn khách. Mong rằng trong tương lai, Hòn Nhàn sẽ được đầu tư, khai thác phát triển du lịch xứng tầm"- anh Bùi Văn Bình (xã Bình Châu) chia sẻ.
Xã Bình Châu là nơi có nhiều di sản địa chất được hình thành bởi hoạt động của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Ngoài Hòn Nhàn còn có Ba Tân Gân cũng là điểm tham quan nổi tiếng gần xa.
Đặc biệt, vùng đất Bình Châu rất nổi tiếng trong bản đồ của các giáo sĩ phương Tây vẽ đường hàng hải quốc tế với tên Ba Tân Gân và mũi Ba Tân Gân (ngày nay là mũi Ba Làng An).
Đến "nghĩa địa tàu đắm"
Không chỉ có cảnh sắc làm say lòng người, Bình Châu còn được biết đến là nơi sở hữu nhiều cổ vật có giá trị.
Trong suốt giai đoạn từ năm 1999 đến nay, hàng nghìn cổ vật được phát hiện từ những con tàu đắm tại khu vực biển Bình Châu (huyện Bình Sơn). Tiêu biểu vào năm 2012, ngư dân thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu) phát hiện gốm sứ trong tàu cổ đắm.
Dấu tích khai quật cho thấy, tàu bị cháy trước khi chìm, bên trong có tiền thời Nguyên, có đồng tiền muộn nhất ở niên đại 1264-1295. Năm 2014, vùng biển này cũng phát hiện 1 tàu cổ đắm, các hiện vật bị vỡ gồm tô, bát, đĩa có niên đại đầu thế kỷ 17… Do đó, nơi đây được ví như một “nghĩa địa tàu đắm”.
Ở góc độ văn hóa, Bình Châu còn có nhiều đặc điểm rất thú vị. Bởi lẽ, cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Bình Châu có truyền thống đi biển từ rất sớm. Điển hình là khi các nhà khoa học khai quật và tìm thấy dấu tích cư trú, mộ táng và nhiều đồ gốm, đồng, sắt… tại di chỉ Suối Chình và Xóm Ốc tại huyện đảo Lý Sơn.
Con đường đến với văn hóa Sa Huỳnh chính là xuất phát cư dân Bình Châu và đến nay, ngư dân vẫn nối tiếp truyền thống đi biển, bám biển. Mới đây, di tích địa điểm cư trú và mộ táng Sa Huỳnh tại xã Bình Châu được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với diện tích khoanh vùng bảo vệ khoảng 20 ha.
“Tiềm năng rất nhiều nhưng nguồn vốn thì không có, người dân muốn phát triển cũng rất khó. Do vậy, cần có định hướng phát triển rõ ràng, chẳng hạn như bước đầu khai thác phát triển du lịch cộng đồng từ các thành viên Chi hội Cổ vật xã Bình Châu, từ đó lan rộng sang cộng đồng dân cư”- ông Phạm Tấn Thị (thôn Phú Quý, xã Bình Châu) bày tỏ.
Tìm cách bảo tồn và phát huy
TS. Đoàn Ngọc Khôi- Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, Bình Châu có đầy đủ các điều kiện tự nhiên địa chất, di sản, văn hóa, lịch sử và rất có lợi thế trong phát triển du lịch địa chất.
Đây là tiềm năng lớn để địa phương xây dựng các sản phẩm, mô hình du lịch phù hợp, qua đó thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.
Ông Khôi cho rằng, để quản lý bảo vệ, vận hành, phát triển nguồn "tài nguyên" này, trước hết, địa phương cần phải có Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh của xã Bình Châu và xác định bảo tồn giá trị di sản gắn liền với giá trị nhân văn con người trong di sản đó.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, để phát triển du lịch tại xã Bình Châu, Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Quảng bá du lịch cộng đồng, gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại xã Bình Châu”.
Trong mô hình này, sản phẩm du lịch được hình thành dựa trên nền tảng di sản thiên nhiên và văn hóa sẵn có; sử dụng nguồn nhân lực bản địa; xây dựng sản phẩm - dịch vụ và triển khai các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch gắn với bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử.
“Thông qua mô hình, sẽ thiết lập tour du lịch kết nối Bình Châu với các điểm đến lân cận phù hợp với loại hình tham quan, trải nghiệm địa chất, văn hóa biển đảo gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại xã Bình Châu. Đồng thời, xây dựng phương án hoạt động tổ hợp tác du lịch cộng đồng, nhằm hướng tới phát triển điểm du lịch cộng đồng ở xã Bình Châu, giúp người dân phát triển kinh tế từ hoạt động du lịch”- ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ