Song, thực tế cho thấy, hiện nay, không phải cây nào được trồng trong đô thị cũng bảo đảm các yếu tố đề ra đối với cây đô thị.
Theo các chuyên gia, nước ta là nước nhiệt đới có hệ thực vật phong phú với 12.000 loại thực vật bậc cao, trong đó có 50% số loài có tính chất bản địa.
Đây là nguồn cung cấp tài nguyên thực vật vô cùng quý giá có thể nhân giống cung cấp trồng trong các đô thị. Bởi, việc dẫn giống cây trồng từ mỗi vùng sinh thái phù hợp với đặc điểm tự nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan và tính chất của đô thị không những góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị mà còn tạo được bản sắc cảnh quan đặc trưng riêng cho mỗi đô thị.
Thực tế, công tác dẫn giống cây trồng từ môi trường tự nhiên vào trồng trong các đô thị ở nước ta đã được thực hiện ở nhiều tỉnh, TP. Song, công tác này hiện chưa được thực hiện đúng quy trình khi chưa được trồng thử nghiệm và đánh giá mức độ thích nghi trước khi trồng hàng loạt… dẫn đến khi trồng được vài năm phải di dời, chặt hạ. Đơn cử, TP Quy Nhơn năm 2015 đã phải chặt và di dời gần 3.000 cây sữa, Đà Nẵng hơn 1.000 cây; Đắk Nông chặt bỏ hơn 1.600 cây sò đo cam…
Tại Hà Nội, nhiều loại cây không phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng được trồng đại trà không qua thử nghiệm, không có hiệu quả cải thiện khí hậu như: phong lá đỏ, phượng tím, chà là… Vị trí trồng một số loài không phù hợp với đặc điểm không gian như: Phượng vĩ trên dải phân cách hẹp và bàng lá đỏ trồng dưới gầm cầu đường sắt trên cao.
Mặt khác, việc phát triển ồ ạt cây trồng với số lượng lớn tập trung vào một số loài cây ngoài vùng sinh thái không những làm mất đi bản sắc cảnh quan, văn hóa đô thị mà còn tạo nguồn thức ăn dồi dào dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về dịch sâu, bệnh hại đối với cây đô thị.
Chính vì thế, nhu cầu sử dụng những loài cây trồng bản địa nhằm tăng tính đa dạng sinh học, phù hợp với đặc trưng không gian và nhu cầu phát triển diện tích cây xanh là rất cần thiết.
Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, để nâng cao chất lượng cây xanh đô thị, Hà Nội cần bổ sung thành phần cây xanh cho đô thị, nhất là các loài cây xanh được trồng trên các tuyến đường.
Trong đó, ưu tiên các loài cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian, quy mô, tính chất cũng như cơ sở hạ tầng, truyền thống tập quán của người Hà Nội. Việc lựa chọn loài cây trồng phải phù hợp với quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị chung của Hà Nội.
Đồng thời, ưu tiên khai thác các loài cây bản địa nhằm tạo lập bản sắc đô thị và phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển. Lựa chọn cây trồng ngoài việc phải kết hợp hài hòa giữa mục đích trang trí, phân cách, chống bụi, chống ồn còn phải cải tạo được cảnh quan, cải thiện khí hậu và vệ sinh môi trường.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phùng Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho hay, không giống như ô nhiễm nước, đất có thể dễ dàng xác định được nguồn gây ô nhiễm, ô nhiễm không khí thường do nhiều nguồn khác nhau trong đó nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông, các khu công nghiệp được coi là đóng góp chính.
“Do đó, một giải pháp đa tác dụng, có hiệu quả cao trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí mà chúng ta đã biết đó chính là sử dụng thực vật trồng trong chính vùng ô nhiễm để hấp thu, loại bỏ chất ô nhiễm trong không khí” - PGS.TS Phùng Văn Khoa nhấn mạnh.