Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai cẩm nang mới cho báo giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai cuốn sách mới về nghề báo có tên “Viết tin, bài đăng báo” của nhà báo Ngọc Trân và “Một nền báo chí phẳng” của nhà báo Đỗ Đình Tấn do Nhà xuất bản Trẻ phát hành chào mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 được coi là hai cuốn cẩm nang cho những ai đã, đang và sắp làm báo.

Hai cẩm nang mới cho báo giới - Ảnh 1
“Một nền báo chí phẳng” của nhà báo Đỗ Đình Tấn nói về mối tương đồng giữa báo chí Việt Nam và thế giới thông qua những cách tiếp cận của thời đại như báo chí Cộng đồng, báo chí Công dân... Từ đó, tác giả đặt ra vấn đề tư duy lại nghề báo và nhà báo. Đó là, các nhà báo lớn trên thế giới đang dùng những giải pháp nào để đảm bảo nguồn thu, duy trì chất lượng và vượt qua cơn “bĩ cực” hiện nay. Bằng cách dẫn lời các chuyên gia báo chí hàng đầu thế giới, tác giả chứng minh rằng, báo chí sẽ không chết. Nó chỉ đang đi tìm một phương thức tồn tại mới trong môi trường mà độc giả vĩnh viễn sẽ không còn là người đọc thụ động... Cùng với đó, cuốn sách miêu tả toàn bộ bức tranh báo chí chống tiêu cực của Việt Nam. Bức tranh ấy hoàn toàn trùng khớp với những xu hướng của báo chí điều tra trên thế giới. Mặt khác, cuốn cẩm nang còn đề cập những giải pháp cho mối quan hệ: “người đọc - báo chí - chính quyền” có giá trị ứng dụng ở Việt Nam.

Trong khi đó, cuốn “Viết tin, bài đăng báo” của nhà báo Ngọc Trân tập trung vào các kỹ năng săn tin, viết lách của một người tham gia viết báo như: Làm thế nào để săn tin chính xác, viết súc tích và suy nghĩ mạch lạc, viết chạy đua với kim đồng hồ, sự quan tâm cần thiết đến những vấn đề đạo đức, chính trị, cùng nhiều vấn đề khác trong khi viết... Theo tác giả: “Người ta vẫn cho rằng viết hay, viết giỏi là năng khiếu trời cho. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào khả năng bẩm sinh không thôi thì chưa đủ. Nghề báo hiện đại đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Dẫu không có năng khiếu, nhưng nếu yêu thích nghề báo, đầy nhiệt huyết và kiên nhẫn, bạn vẫn sẽ viết được, tức “sinh ra không phải là nhà báo nhưng rồi sẽ trở thành nhà báo”. Vì thế, nhà báo Ngọc Trân không đề cập nhiều đến phương diện nghệ thuật của nghề, mà chủ yếu nói về hoạt động viết lách. Cuốn sách này tập trung vào báo viết, nhưng độc giả có thể sử dụng mọi kỹ năng săn tin, viết được hướng dẫn ở đây cho bất cứ loại hình báo chí hoặc truyền thông đại chúng nào.

Với những phân tích kỹ lưỡng, dẫn chứng cụ thể, hai cuốn sách này rất hữu ích cho những ai đã, đang và sắp hoạt động trong nghề báo.