Từ nhiều năm qua, cây cà rốt là sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương. Nông sản này được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, trên vùng đất bãi phù sa ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy.
Cà rốt của tỉnh Hải Dương được tập trung chủ yếu tại một số huyện như Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh và Ninh Giang…, nhiều nhất là tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng), đây được coi là thủ phủ cà rốt của tỉnh.
Ông Trần Văn Tưởng – Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết: Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến vụ thu hoạch cà rốt. Chỉ riêng vùng đất này mới cho loại củ ngon và khác biệt. Có lẽ do thổ nhưỡng, khí hậu, chất đất đã tạo nên thương hiệu cà rốt nổi tiếng một vùng. Bên cạnh đó, cây cà rốt còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân nên đời sống của bà con được cải thiện rất nhiều.
Cà rốt người dân Hải Dương trồng được bồi đắp và nuôi dưỡng từ phù sa của những con sông lớn, kết hợp với thời tiết khí hậu ôn hòa đã tạo nên chất lượng và hương vị riêng; với độ giòn và vị ngọt đặc trưng.
Hiện nay tỉnh duy trì khoảng 1.400 ha trồng cà rốt cho sản lượng trên 70.000 tấn/vụ, trong đó 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP) phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo thời vụ gieo trồng, từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10, thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.
70% sản lượng cà rốt của Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore, Thái Lan…, 30% còn lại tiêu thụ trong nước.
Trên địa bàn Hải Dương hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu. Mỗi đơn vị có thể chế biến, đóng gói khoảng 100 tấn cà rốt tươi/ngày.
Thông qua một số điểm cầu trực tuyến, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Singapore, Australia, Nga..., đại diện một số doanh nghiệp các nước cung cấp nhiều thông tin về thị trường, thói quen tiêu dùng, các tiêu chuẩn, điều kiện về sản phẩm hàng hóa, các rào cản thương mại, kỹ thuật… của nước sở tại. Từ đó đưa ra các khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp để sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhập khẩu của các nước này.
Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, có vải thiều và cà rốt. Năm 2021 và 2022, UBND tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tổ chức 3 sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng.
Các hoạt động xúc tiến thương mại này đã tạo hiệu ứng lớn cả trong nước và quốc tế; với sự kết nối, tham gia của gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài của 18 quốc gia và khu vực trên thế giới; qua đó góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản của Hải Dương nói chung, cà rốt, vải thiều nói riêng trên thị trường trong nước và thế giới, thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đến nay, cà rốt Cẩm Giàng dần phát triển và đã khẳng định thương hiệu. Sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2008, cấp lại năm 2018; đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam từ năm 2017. Cùng với đó, sản phẩm cà rốt tươi xã Đức Chính đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao năm 2019, cấp lại năm 2022./.