Giá gạo xuất khẩu giảm 15%
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8/2013, kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước đạt 11,5 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch XK trong 8 tháng qua đạt 84,82 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2012. Cũng trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 11,8 tỷ USD, tính chung 8 tháng qua, kim ngạch NK đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, 8 tháng qua cả nước nước nhập siêu khoảng 577 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch XK.
Điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường nhưng giá vẫn do Nhà nước kiểm soát. Trong ảnh: Mua bán tại cửa hàng xăng dầu Đường Láng. Ảnh: Hải Linh
|
Trái với những ý kiến cho rằng, việc nhập siêu quay trở lại chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh đã có chiều khởi sắc, tại buổi họp giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức (ngày 3/9), nhiều ý kiến của các địa phương cho rằng, việc nhập siêu là do giá nhiều mặt hàng XK chủ lực giảm, trong khi giá nguyên liệu NK nhiều mặt hàng tăng cao đã kéo kim ngạch chung của tháng 8 giảm mạnh. Trong đó, kim ngạch XK nhóm nông, lâm, thủy sản đã giảm 6,8%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản cũng đã giảm 17%.
Báo cáo của Hiệp Hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá bán bình quân của mặt hàng gạo đã giảm 15%, tương đương 15 USD/tấn. Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch VFA cho biết, diễn biến thị trường gạo thế giới đang tác động xấu tới giá gạo XK Việt Nam, nguyên nhân là do dư thừa về nguồn cung từ Ấn Độ, Thái Lan, đẩy giá gạo xuống thấp. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm đến nay, khối DN FDI đã XK lượng hàng hóa trị giá 51,25 tỷ USD, chiếm trên 50% kim ngạch XK của cả nước. Cùng với đó, các DN này cũng NK lên đến 48,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 56,6% tổng kim ngạch NK cả nước, đây là một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu quay trở lại…
Nhà nước vẫn kiểm soát giá xăng dầu
Một trong những vấn đề được người tiêu dùng cũng như các DN quan tâm là việc từ tháng 6/2013 đến nay, DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu liên tục tăng giá, đã có không ít câu hỏi được đặt ra "phải chăng liên Bộ Tài chính - Công Thương để DN "tự tung tự tác" trong việc định giá xăng, dầu?".
Mua bán tại cửa hàng xăng dầu Nguyên Hồng. Ảnh: Linh Anh
|
Trước những thắc mắc này, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, hiện hoạt động điều hành giá xăng, dầu vẫn được áp dụng theo cơ chế thị trường nhưng không áp dụng theo hướng tăng, giảm cùng lúc với giá thế giới. Lý do đưa ra là do xăng, dầu là mặt hàng chiến lược nên Nhà nước có sử dụng các công cụ nhất định như sử dụng Quỹ Bình ổn giá để hạn chế ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá xăng, dầu trong tháng 6 và 7 có 3 lần tăng, còn tháng 8 có tăng, có giảm. Nhưng việc điều chỉnh vẫn thực hiện theo Nghị định 84/2009/NĐ - CP, tức là việc tính giá xăng dầu căn cứ trong vòng 30 ngày, không tính 10 ngày, hoặc 20 ngày như cách hiểu của nhiều người. "Ngay cả trong Dự thảo Nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng, dầu đang được Bộ Tư pháp thẩm định cũng mang tư tưởng nhất quán là: Kiên định điều hành theo cơ chế thị trường và giá do Nhà nước kiểm soát" - ông Quyền khẳng định.
Liên quan đến khoản lợi nhuận "khủng" của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) từ đầu năm đến nay nhưng vẫn kêu lỗ để tăng giá bán, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Lợi nhuận kinh doanh xăng, dầu trước thuế của Tập đoàn này trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 388,22 tỷ đồng, bình quân đạt 94 đồng/lít, kg (tương ứng với khoảng 31% so với lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính). "Tính lợi nhuận của Petrolimex là tính cả một giai đoạn nhất định, không tính riêng từng tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Petrolimex nhập 4,4 triệu tấn xăng, dầu, trị giá 14.500 tỷ đồng nhưng tỷ suất lợi nhuận chỉ là 2,83%. Nếu để gửi tiết kiệm lãi suất còn lớn hơn, trong khi DN này vẫn phải tuân thủ quy định không để đứt nguồn hàng trong mọi tình huống" - bà Thoa nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu kim ngạch XK trong năm 2013 là 127 - 128 tỷ USD, trong những tháng tới Bộ Công Thương sẽ tập trung thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp C/O, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Đối với mặt hàng xăng, dầu, Bộ sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Tài chính trong hoạt động điều hành theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích, DN, người tiêu dùng và nguồn thu ngân sách.Mặc dù, Bộ Công Thương tuyên bố đảm bảo lợi ích ba bên, tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa hết nghi ngờ về tính công khai, minh bạch trong việc định giá xăng, dầu.