KTĐT - Hương lớn tiếng: "Tôm mau đánh răng đi ngủ. Còn bố lại đây mẹ cho bú ti". Rồi cô đỏ mặt phát hiện mình nói nhịu.
Hương nhanh nhảu sửa lại "nhầm, bố mau đánh răng đi ngủ. Còn Tôm lại đây mẹ cho bú ti"... trong tiếng cười ngặt nghẽo của chồng Hương. Tôm chẳng biết có hiểu mẹ vừa nói nhịu không nhưng thấy bố mẹ cùng cười nên cũng ‘khoe răng’ theo.
Từ ngày sinh bé Tôm, Hương (quận Long Biên, Hà Nội) rất hay nhịu. Vì làm lộn xộn trật tự trong câu nên Hương mới rơi vào nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Chẳng hạn, hôm rằm Hương đi chợ mua xoài về thắp hương. Cu Tôm lăng xăng ôm xoài chạy khắp nhà. Hương quát: “Tôm, mang hương cho bà nội thắp xoài”. Nói xong, Hương ớ người ra vài giây mới dám nói lại, lần này phải nhấn mạnh từng từ thật chậm: “Tôm, mang xoài cho bà nội thắp hương”. Tương tự, hôm có ông bác họ ở quê lên chơi, Hương chào: “Quê ở ông mới lên ạ” thay vì nói: “Ông ở quê mới lên ạ”.
Hương cũng hay đãng trí. Có lần, Hương sang nhà bác hàng xóm mượn cái cân sức khỏe để cân cho cu Tôm. Lúc đứng ở cửa, Hương gọi một “lô xích xông” tên chồng, rồi lượt lần tên các con bác mới ra tên người định gọi. Ở cơ quan cũng thế, có lúc gọi một chị đồng nghiệp, Hương phải gọi “một lèo” các tên anh chị trong phòng mới đến tên người cần gọi.
Càng nói nhanh, Hương càng dễ bị nhịu. Biết thế và cũng muốn sửa dần nhưng Hương nói nhanh đã thành nếp, muốn khắc phục cũng khó. Nhất là những lúc mệt mỏi, vội vàng, cáu giận, Hương càng nói sai nhiều hơn.
Nhung (Hải Phòng) nhiều lần ngượng chín người với mẹ chồng chỉ vì nhịu. Nhung kể, hồi trước thỉnh thoảng cô cũng nói nhịu nhưng từ ngày sinh con đầu lòng thì hay vấp phải tật này hơn, nhất là trước mặt mẹ chồng. Lúc mẹ chồng đưa cho bộ quần áo ngủ đã khô bà rút trên sân thượng, Nhung chìa tay đỡ: “Bà xin con” rồi vội vã rối rít: “Ôi, con xin lỗi. Con nói nhịu. Con xin bà”. Hoặc gọi chồng: “Anh ơi, bế con” thì nói sai thành: “Con ơi, bế anh”.
Mẹ chồng Nhung cũng thông cảm cho con dâu bởi không ít lần, bà cũng nhịu như thế. Nhiều lúc ru cháu ngủ, Nhung thấy mẹ chồng âu yếm: “Cún ngủ ngoan nhé, mẹ yêu, mẹ yêu”. Xong một lát bà mới nhìn con dâu chữa ngượng: “Nhầm, nhầm, bà yêu, bà yêu...”. Thỉnh thoảng lỡ lời, mẹ chồng Nhung lại xưng “mẹ” với cháu khiến cả nhà không nhịn được cười.
Quỳnh (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) thỉnh thoảng không nhớ mình vừa nhờ gì bác giúp việc. Cầm củ su hào đưa bác giúp việc, Quỳnh bảo: “Bác ơi mang lên phơi”. Bác giúp việc nghĩ chắc hôm nay Quỳnh học được món mới với nguyên liệu là su hào khô nên thật thà hỏi lại: “Thế phải nạo hay thái miếng mới phơi?”. Quỳnh tròn mắt: “Sao lại phơi hả bác?” – “Thì cô chẳng bảo tôi mang phơi còn gì?”. Lúc này, hai bác cháu mới nhìn nhau cười: “Không phải phơi đâu bác ơi, ý cháu là đem luộc ấy”.
Vài lần nói sai thế, bác giúp việc nhà Quỳnh cũng quen. Thành thử mỗi khi thấy Quỳnh nói gì hơi lạ thường, bác ấy phải hỏi lại ngay cho chắc ăn.