Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh huy động toàn lực lượng khắc phục sau bão

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (8/9), theo thống kê sơ bộ tại Hải Phòng có 1 người chết, 13 người bị thương; Quảng Ninh 3 người chết, 157 người bị thương; tỉnh Hải Dương 1 người chết, 5 người bị thương.

Nhiều công trình hư hỏng nặng, điện vẫn chưa có trở lại để phục vụ người dân ổn định cuộc sống.

Tại TP Hải Phòng, nhiều công trình, kết cấu hạ tầng bị hư hại, gãy đổ. Tình hình thiệt hại ở mức rất lớn và chưa thể thống kê chính xác.

Nhiều nhà dân bị tốc mái. Ảnh Vĩnh Quân  
Nhiều nhà dân bị tốc mái. Ảnh Vĩnh Quân  
Về thiệt hại do bão, đã có 1 người chết tại huyện Tiên Lãng do bị tường bếp đổ, đây là trường hợp nhà ở kiên cố không thuộc diện di dời. Cùng với đó có 13 người bị thương tại gia đình do vỡ kính, mái tôn (huyện An Dương: 4 người; quận Ngô Quyền: 7 người; huyện Thuỷ Nguyên: 2 người).
Hệ thống đèn điện bị hư hỏng.   
Hệ thống đèn điện bị hư hỏng.   
Hệ thống công trình đê điều, công trình thuỷ lợi trên địa bàn TP đảm bảo an toàn, chưa phát sinh sự cố.
Về công trình, kết cấu hạ tầng: Nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn.

Cùng với đó, nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây.

Cột điện cũng bị hư hỏng gẫy đổ.  
Cột điện cũng bị hư hỏng gẫy đổ.  
Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho hàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ.

Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại. Diện tích lúa có khoảng 5.000 ha đang trổ bông bị hư hại, 1.750 ha rau màu bị ảnh hưởng nặng, 1.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng, 400 ha hoa cây cảnh bị ảnh hưởng.

 Công ty CP Công viên cây xanh Hải Phòng tích cực khắc phục sau bão. Ảnh:Vĩnh Quân
 Công ty CP Công viên cây xanh Hải Phòng tích cực khắc phục sau bão. Ảnh:Vĩnh Quân
Các phương tiện neo đậu tại các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn.

Tàu Minh Anh 1 có 12 thuyền viên bị mất khả năng điều động, trôi dạt tại khu neo vịnh Lan Hạ đã được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ neo đậu, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Toàn TP Hải Phòng hiện đang khẩn trương thu dọn vật cản khôi phục giao thông, sửa chữa khắc phục kết cấu hạ tầng thiết yếu, cấp điện, cấp nước trở lại, khôi phục các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc; tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường; tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng hư hại chưa được khôi phục...

Các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tổ chức hỗ trợ về y tế... đối với các đối tượng bị ảnh hưởng; tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê thiệt hại; phân loại mức độ hư hại của công trình, kết cấu hạ tầng để có phương án khắc phục phù hợp (trước mắt và lâu dài); động viên, hỗ trợ Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, trở lại cuộc sống bình thường.

Lực lượng chức năng căng mình khắc phục sau cơn bão số 3.  
Lực lượng chức năng căng mình khắc phục sau cơn bão số 3.  
Tại Hải Dương, theo báo cáo nhanh của các huyện, TP, thị xã, các ngành, bão số 3 đã gây ra một số thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông. Đã có 1 người chết, 5 người bị thương. Có khoảng 10.000 ha lúa bị đổ; 1.200 ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600 ha cây ăn quả gãy, bị đổ. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng.

Nhiều mái nhà tôn, mái prô xi măng, cửa kính trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã bị sập mái, tốc mái, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gẫy gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông. 26 cột điện bị gãy, đổ gây mất điện trên diện rộng. Do đứt cáp quang, 5 trạm BTS bị đổ nên 3 nhà mạng trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn, mất liên lạc.

Tại Quảng Ninh đến sáng ngày 8/9/202, có 3 người chết, 157 người bị thương. Mất điện diện rộng và gián đoạn thông tin từ 14 giờ ngày 6/9/2024 đến nay chưa khắc phục được.

Về tài sản, theo thống kê bước đầu từ các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gẫy đổ; 70% cây xanh tại các độ thị tại 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; pano biển quảng cáo bị gãy đổ. Hệ thống thông tin, liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được, mất điện trên diện rộng.

 Cây cối ngổn ngang sau bão.
 Cây cối ngổn ngang sau bão.
Đến sáng 8/9/2024, tỉnh Quảng Ninh đã tìm kiếm và cứu hộ thành công 46 người bị trôi dạt trên biển (trong đó 8 người thuộc Công ty Kho Vận, 8 người của Tông Công ty Đông Bắc, 11 người thuộc các đơn vị khác).
Các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc khắc phục.  
Các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc khắc phục.  
Hiện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh cùng các lực lượng vũ trang trên địa bản bắt đầu tổ chức tìm kiếm, ưu tiên các trường hợp bị nạn ở dưới biển như lật thuyền, trôi dạt, mất tích...
Các địa phương tập trung dọn dẹp để ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn. Tập trung công tác chỉ huy tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn đối với người trên các phương tiện và các tàu bị đắm.

Các địa phương cần thống nhất và báo cáo con số cụ thể thiệt hại về UBND tỉnh (qua Sở NN&PTNT) để tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ ngay cho Nhân dân, tập trung đối với người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ở trên biển do mưa, bão; người trồng lúa, trồng hoa màu và trồng rừng bị thiệt hại; hỗ trợ cho người dân có nhà bị tốc mái, bị đổ, sập; hỗ trợ người dân có tàu du lịch, tàu cá bị chìm, hư hỏng do mưa, bão.