Theo đó, hệ thống kênh thoát nước Đông Bắc đoạn từ cống Máy Đèn đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên dài khoảng 3,5km đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ gia đình trong khu vực. Hầu hết nhà cửa ở khu vực này đều được xây dựng tạm bợ, người dân không dám xây kiên cố do lo ngại mức độ ô nhiễm ngày càng tăng.
Trực tiếp khảo sát toàn bộ tuyến mương Đông Bắc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng xem xét rất kỹ về hiện trạng cũng như khả năng thoát nước của cả khu vực. Khi họp bàn về xây dựng tuyến đường, ngầm hóa tuyến mương, vấn đề thoát nước được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đặc biệt quan tâm, yêu cầu Công ty Thoát nước; các ngành liên quan báo cáo, giải trình, nêu rõ phương án thực hiện, không để xảy ra úng lụt. Vấn đề kinh phí xây dựng cũng được đặt ra để tính toán. Lãnh đạo các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính… khẳng định sẽ thu xếp, bố trí nguồn thực hiện.
Chủ tịch UBND TP đồng ý chủ trương nghiên cứu đầu tư ngầm hóa tuyến mương Đông Bắc đoạn nối từ đường Lê Thánh Tông đến đường Lê Hồng Phong tiếp đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên để xây dựng thành đường giao thông.
Cụ thể, giai đoạn 1 thực hiện từ đường Lê Thánh Tông đến đường Lê Hồng Phong. Quy mô dự kiến: Mặt đường nhựa 2x12m; dải phân cách giữa 2,5m; chiều rộng vỉa hè thay đổi tùy theo mặt cắt, từ mép đường nhựa đến sát nhà dân. Đồng thời mở rộng các nút giao với đường: Ngô Quyền, Lê Thánh Tông, Đà Nẵng, Lê Hồng Phong; mở rộng các cống ngang đường và cửa xả (cống Cầu Tre, cống Máy Đèn) đảm bảo khả năng tiêu thoát nước cho toàn tuyến mương và cống hộp.
UBND TP dự kiến trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư vào giữa năm 2025; khởi công công trình vào đầu năm 2026, hoàn thành cuối năm 2026.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng các đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên; trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu năm 2026.
Chủ tịch UBND TP giao UBND quận Ngô Quyền lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 quận Ngô Quyền đến 2025, trong đó cập nhật hướng tuyến của tuyến đường nêu trên (cả 2 giai đoạn), trình Sở Xây dựng thẩm định, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Giao Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 do UBND quận Ngô Quyền lập, đề xuất, báo cáo UBND TP; lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tuyến đường theo 2 giai đoạn.
Được biết, theo tính toán sơ bộ, tuyến đường có thể phải đầu tư 600-700 tỷ đồng.