Tuy nhiên liệu chuyến thăm mà chính ông Kerry thừa nhận là có sự chậm trễ này có thiết lập được sự tin tưởng, toàn diện trong cuộc đối thoại hai chiều giữa ban lãnh đạo Nga - Mỹ hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vì những vấn đề dự kiến được Tổng thống Nga V. Putin và người đồng cấp Mỹ B. Obama đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland ngày 17 - 18/6 đều có ý nghĩa chiến lược như cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề hạt nhân của Iran, vấn đề kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của hai nước...
Cuộc gặp gần đây nhất nhất giữa Tổng thống Nga - Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh G8 hồi tháng 6/2012 ở Mexico đã diễn ra trong bầu không khí lạnh nhạt và không đạt được bước tiến đáng kể nào trong việc xác định phương hướng phát triển cụ thể, rõ ràng quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Những kết quả hạn chế trên khiến rất ít người hy vọng cuộc gặp “vòng hai” lần này ở Bắc Ireland sẽ giúp hồi sinh nỗ lực "tái khởi động" quan hệ Nga - Mỹ. Thậm chí, nhiều nhà quan sát còn tỏ ra bi quan hơn về cái bắt tay giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới trong thời điểm được gọi là "hòa bình lạnh" hiện nay do chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Mỹ Obama sẽ nhượng bộ Nga về vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu hay trong vấn đề Syria. Đặc biệt, chuyến thăm ngắn ngày của Ngoại trưởng Mỹ Kerry chắc chắn không thể thu hẹp được những khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận các vấn đề quốc tế của hai nước. Quan trọng hơn, việc Moscow và Washington chưa xác định sẽ thiết lập quan hệ đối tác của nhau trong chiến lược toàn cầu đã trở thành trở ngại chính cho sự phát triển song phương. Và đương nhiên, những người được hưởng lợi không phải là Nga hay Mỹ mà chính là các quốc gia có lợi ích đối lập với hai nước này.