Nơi này bị khống chế về diện tích đất đai như Singapore, lại có nhiều sông nước như Amsterdam. Vì thế, giao thông đô thị và môi trường sinh thái luôn đối nghịch nhau. Chính quyền TP này cần phải có kế hoạch tổ chức giao thông đô thị đặc thù cho TP, thích hợp với những điều kiện đặc biệt nơi đây. Mạng lưới tuyến đường giao thông trên bộ, phố xá không thể được cải tạo thường xuyên, mở rộng và kéo dài để giảm thiểu tắc nghẽn giao thông trong nội đô.
Giải pháp cho vấn đề giao thông đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái đô thị được chính quyền TP lớn này đưa ra cũng bao gồm 3 định hướng chính như ở các đô thị lớn khác trên thế giới. Định hướng thứ nhất là giảm đến mức tối đa các loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xăng và dầu. Các loại phương tiện giao thông phải có bộ lọc khí thải đáp ứng tiêu chuẩn chung của EU, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng sạch, chạy bằng điện hoặc hybrid. Định hướng thứ hai là hạn chế tối đa sử dụng ô tô riêng trong đô thị. Để đạt mục tiêu này, hệ thống giao thông công cộng trong TP phải rất hiệu quả, tiện ích và thuận lợi cho người dân. Ở Hamburg, chính quyền áp dụng biện pháp dùng một loại vé sử dụng tất cả các loại phương tiện giao thông công cộng trong TP là xe buýt, tàu điện và tàu thủy cho dù có cả không ít hãng tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công này.
Định hướng thứ ba là hợp tác với các tập đoàn chế tạo ô tô của nước Đức và trên thế giới để cung cấp dịch vụ "taxi gộp", tức là có loại xe riêng, đương nhiên chạy bằng điện hoặc xe hybrid, gom tụ những người có nhu cầu di chuyển đã đăng ký thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động thông minh, đảm bảo là người sử dụng không phải đi bộ xa quá 200m để tới điểm được đón. Đây là cách hạn chế sử dụng cả xe ô tô cá nhân mà vẫn đáp ứng được nhu cầu di chuyển của cá nhân. Mô hình giao thông đô thị ở Hamburg hiện đang được nhiều TP khác của nước Đức học tập.