Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế nạn tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 3/5, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức họp Ban chỉ đạo Dự án WLC “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam."

Dự án này do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyên cho rằng: Công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp trong xã hội, khởi đầu từ nhận thức đến hành động.
 
Hạn chế nạn tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam - Ảnh 1
 
Thả các động vật hoang dã về Vườn quốc gia U Minh Thượng. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
 

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành chức năng có liên quan, gồm các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an, Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội để cùng tham gia vào tiến trình thay đổi thực trạng tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam, đồng thời tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức đối với bảo tồn động vật hoang dã nói riêng và đa dạng sinh học nói chung.

Dự án gồm có ba hợp phần thực hiện trong ba năm trên toàn quốc và thí điểm tại Hà Nội (2011- 2014). Hợp phần 1 là tăng cường khung pháp lý và chính sách pháp luật; Hợp phần 2 xây dựng hệ báo cáo về tình hình buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã phục vụ công tác hoạch định chính sách và lập kế hoạch hành động. Riêng Hợp phần 3 tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự ủng hộ của các tầng lớp xã hội đối với việc bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học.

Sau khi Dự án kết thúc sẽ cho ra đời những sản phẩm như cẩm nang hướng dẫn thực thi pháp luật, trong đó có các nội dung về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp được đưa vào chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn 2030; chương trình thực thi pháp luật với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh được phê duyệt và triển khai thường xuyên tại địa bàn thí điểm; các chương trình truyền thông quy mô lớn được thực hiện và cho ra đời các sản phẩm truyền thông như phim ngắn, phóng sự, quảng cáo, cẩm nang hướng dẫn tiêu dung bền vững và khuyến khích các sản phẩm thay thế động vật hoang dã trong y học cổ truyền…

Hiện Việt Nam là một trong số 10 quốc gia giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới, với sự hiện diện của 10% số loài được biết đến trên thế giới, trong khi diện tích lãnh thổ chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích trái đất. Do sự phát triển kinh tế nhanh, Việt Nam đang gặp phải sự suy giảm đáng kể về diện tích các khu cư trú tự nhiên, dẫn tới sự giảm số lượng, thậm chí tuyệt chủng một số loài./.