Mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Nguyên nhân của tình trạng trên do việc kiểm soát quyền lực chưa tốt dẫn đến một số người đứng đầu lạm quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Điều này đòi hỏi phải sớm hoàn thiện các cơ chế để đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát”.
Thật sự bức thiết
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, một quan điểm cần được luôn luôn nhận thức đúng đắn là: Người làm giáo dục phải được giáo dục nghiêm túc, người lãnh đạo, quản lý phải được quản lý, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Tình trạng buông lỏng quản lý và giám sát, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp và các lĩnh vực vẫn rất đáng lo ngại. Vụ án Trịnh Xuân Thanh, những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng khi còn đương chức, những khuyết điểm về bổ nhiệm cán bộ ở một số tỉnh, huyện vừa bị phát hiện, một số DN Nhà nước ngày càng thua lỗ, bế tắc mà Chính phủ, Quốc hội phải xem xét, cho thấy tính bức thiết của quản lý cán bộ và kiểm soát quyền lực.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh (trái) và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ là hai cán bộ vừa bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kiến nghị xử lý kỷ luật. Ảnh: Vĩnh Chi |
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Mai Trực, Đại hội XII của Đảng đặt ra yêu cầu rất cao về kiểm soát quyền lực, trong đó chỉ rõ phải hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật kỷ cương. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chế tài về kiểm soát quyền lực, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang tiến hành khảo sát, tọa đàm tại một số địa phương. Mục tiêu của T.Ư tới đây là phải có các giải pháp, chế tài nghiêm khắc để cán bộ không thể lạm quyền. Tổ khảo sát của Ủy ban Kiểm tra T.Ư thực hiện nhiệm vụ tại 16 tỉnh, TP và bộ, ngành trong cả nước để góp phần làm rõ luận cứ khoa học và thực tiễn trong việc kiểm soát quyền lực theo tinh thần Đại hội XII của Đảng về “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”.
Chọn lọc cán bộ, tăng kiểm tra, giám sát
Tại buổi tọa đàm của Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây về nội dung này, với tinh thần thẳng thắn, khoa học, các đại biểu nhấn mạnh, trước tiên cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế từ Đảng đến chính sách pháp luật. Từ đó mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định theo điều lệ Đảng và quy định của pháp luật. Chú trọng xây dựng các quy định, quy chế nội bộ, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, tại Hà Nội, từ nhiều khóa nay, nhất là từ đầu Khóa XVI, Thành ủy đã triển khai nghiêm túc các giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương; trọng tâm là xây dựng các quy chế làm việc chặt chẽ, đầy đủ và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, phát huy dân chủ Nhân dân. Từ việc ban hành chương trình hành động, các nghị quyết chuyên đề đến đổi mới trong giao nhiệm vụ, trong kiểm tra, giám sát, đánh giá tổ chức đảng và đảng viên đã được tập trung thực hiện trên tinh thần tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, kiểm soát quyền lực chính là kiểm soát con người, do đó cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đổi mới từ công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn đúng những cán bộ có tâm, có tầm. Cùng với đó, cấp ủy các cấp phải hết sức quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí nhấn mạnh, để kiểm soát quyền lực, còn phải tăng cường kiểm tra, giám sát; đổi mới trong giao nhiệm vụ theo hướng 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ kết quả; xây dựng các cơ chế, chính sách một cách đồng bộ; tăng cường công khai minh bạch, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát với tinh thần phòng ngừa sai phạm và xử lý nghiêm sai phạm để răn đe. Từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện 12 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy đối với các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành của TP. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1.752 đảng viên và 482 tổ chức Đảng; kiểm tra 18.451 tổ chức Đảng cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 2.465 tổ chức Đảng cấp dưới.
Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng: Cán bộ cấp cao sai phạm, càng phải xử lý nghiêm Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng bày tỏ bất ngờ khi được biết những sai phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa được Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận, trong đó có việc đề bạt cán bộ không đúng tiêu chuẩn, vấn đề nhà đất, bằng cấp. “Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận và tôi tin tưởng kết luận này hoàn toàn chính xác”, ông Lê Quang Thưởng nói. Đối với hình thức kỷ luật Bí thư và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư cho biết, đây là hai chức danh thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị nên việc xem xét kỷ luật sẽ do Bộ Chính trị quyết định. Tuy nhiên, với quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng thì với những cán bộ cấp cao sai phạm thì càng phải xử lý nghiêm để làm gương. Đảng viên Lê Đức Hùng (Kim Liên, Đống Đa): Quyết tâm lớn của Đảng đã được cụ thể Liên tục trong thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã đưa ra những kết luận công khai về các sai phạm của nhiều cán bộ cấp cao, kể cả người đương chức hay đã nghỉ hưu, không có bất cứ vùng cấm nào. Quyết tâm lớn của Đảng đã được cụ thể hóa đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “lò nóng rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Đảng viên và Nhân dân đánh giá rất cao, hy vọng rằng công cuộc phòng chống tham nhũng thực sự trở thành phong trào, thành một xu thế. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng, không chỉ T.Ư quyết liệt, mà ở các cấp cũng phải noi theo đó để làm trong sạch nội bộ, xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy vì dân phục vụ. Bên cạnh công tác cán bộ làm chặt chẽ hơn, tôi đề nghị phải có những cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn đối với người đứng đầu, tránh để sai phạm kéo dài, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. |