Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế tối đa sốt giá ảo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ cuối tháng 10 đến nay giá nhiều mặt hàng liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp cho rằng đó là do mất cân bằng cung cầu.

KTĐT - Từ cuối tháng 10 đến nay giá nhiều mặt hàng liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp cho rằng đó là do mất cân bằng cung cầu.

Nhưng tại hội nghị giao ban trực tuyến thường kỳ do Bộ Công thương vừa tổ chức (8/11), hầu hết các đại biểu đều cho rằng: Nguyên nhân của việc tăng giá hàng hóa trong thời gian qua là do giá nguyên liệu đầu vào, chênh lệch tỷ giá, yếu tố là tâm lý … chứ không phải do mất cân bằng cung - cầu.


Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định: Việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đẩy mạnh thu mua thực hiện những hợp đồng xuất khẩu đã ký, trong khi thiên tai lũ lụt hoành hành làm vận chuyển hàng hóa bị ngưng trệ… đã khiến giá lương thực tăng cục bộ ở một số nơi như Hà Nội, các tỉnh Tây Nam Bộ, các tỉnh miền Trung, hải đảo. Do biến động giá cả thế giới và tỷ giá VND/USD có biến động mạnh khiến giá gas đã tăng khoảng 13.000-16.000 đồng/bình; các mặt hàng sữa cũng tăng giá, dù trước đó nhiều hãng sữa đã cam kết không tăng giá. Với mặt hàng phân bón, đặc biệt là những chủng loại phân bón sản xuất trong nước như urê, DAP, kali, hiện các DN mới chỉ đảm bảo đáp ứng đủ 50% nhu cầu trong nước, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu đang thiếu ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá nên do dự nhập khẩu phân bón… Điều này dẫn đến việc một số công ty công ty trung gian gom hàng tăng giá để kiếm lời.


Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Để thị trường những tháng cuối năm không có nhiều biến động và xáo trộn thì cần tăng cường các mặt hàng bình ổn và các chương trình xúc tiến thương mại trong nước, đặc biệt là chương trình khuyến mại giảm giá bởi đây cũng là công tác góp phần cho bình ổn thị trường. Để giảm áp lực sốt giá gạo, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải giãn tiến độ thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đến hết năm. PGĐ Sở Công thương Hà Nội - Phạm Đức Tiến cho biết: Hiện Sở Công thương Hà Nội đang tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn giá, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, dự trữ đủ nguồn hàng. Trong tháng 11 Hà Nội sẽ cấp tiếp 50 tỷ đồng cho các doanh nghiệp để tiếp tục bình ổn giá hàng hóa thiết yếu.Những doanh nghiệp tham gia nhóm cung cấp hàng hóa bình ổn giá đã chuẩn bị kỹ, cam kết đảm bảo cung cấp đủ hàng bình ổn giá. Hà Nội đang tổ chức Tháng Khuyến mại Hà Nội 2010, hoạt động này sẽ góp phần đáng kể vào việc "neo" giá của nhiều mặt hàng, góp phần ổn định tâm lý cho người tiêu dùng Thủ đô.


Theo ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Bộ Công thương chỉ nên cho nhập khẩu các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, không nên cho nhập khẩu phân NPK. Đại diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và (Petrolimex)và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết: Mặc dù doanh nghiệp đang phải chịu áp lực lớn trong đảm bảo nguồn cung cho thị trường nhưng vẫn bảo đảm đủ lượng xăng dầu bình ổn thị trường; Ngành điện đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng bằng cách đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các nhà máy điện có sự cố và hoàn thành các nhà máy điện mới để huy động thêm công suất cho hệ thống...


Thứ trưởng Bộ Công thương-Lê Danh Vĩnh cũng yêu cầu: Cục Quản lý Thị trường đẩy mạnh kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Để tránh tình trạng tăng giá do yếu tố tâm lý, các bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, góp phần định hướng tâm lý tiêu dùng, hạn chế tình trạng tát nước theo mưa, tạo ra những cơ sốt giá ảo trên thị trường.