TP Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp hạn chế xe khách giường nằm vào đô thị trung tâm để giảm tải áp lực giao thông cũng như hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình. Hà Nội nên sớm xem xét đến biện pháp này, nhất là trong bối cảnh áp lực giao thông tăng nóng từng ngày như hiện nay.
Hoạt động bát nháo
Xe khách giường nằm là một trong những loại phương tiện chiếm đường nhiều nhất, dễ gây ùn tắc giao thông nhất của Hà Nội hiện nay. Dòng xe này chủ yếu phục vụ đưa đón khách du lịch ra vào trung tâm TP, hoặc hoạt động trên các tuyến vận tải khách liên tỉnh. Tuy nhiên, xe khách giường nằm lại đang cho thấy hoạt động khá bát nháo, gây rối loạn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn TP.
Đơn cử như khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm), nơi có hàng trăm văn phòng du lịch, nhận đặt chỗ, gom khách rồi đưa xe giường nằm vào vận chuyển đi các điểm tham quan du lịch khu vực miền núi phía Bắc. Mỗi khi xe giường nằm vào đón khách là vòng vèo qua nhiều tuyến phố chật hẹp, mỗi điểm đón vài ba khách cho đến khi đủ chuyến mới xuất phát.
Xe giường nằm chạy bất kể khung giờ nào, thản nhiên dừng đỗ, gây mất trật tự, ATGT trong lõi đô thị, “tiếp sức” cho các hoạt động vận tải ngoài luồng, xé nhỏ thị trường du lịch nội địa, khiến nhiều DN làm ăn chân chính vô cùng bức xúc.
Đáng lo ngại hơn là hàng trăm chiếc xe giường nằm đang ngày càng di chuyển sâu hơn vào trung tâm TP, hoạt động như xe khách liên tỉnh trước sự bất lực của cơ quan chức năng. Hàng loạt tuyến xe khách trá hình sử dụng xe giường nằm đóng trụ sở trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, trong đó có Trần Vỹ (quận Cầu Giấy), Nguyễn Hoàng, Phạm Hùng (Nam Từ Liêm),…
Hình ảnh hàng đoàn xe giường nằm nối nhau nằm chật phố, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng đã quá quen thuộc với người dân những khu vực này, bởi tồn tại dai dẳng ngày này qua tháng khác mà không ai dẹp nổi.
Xe khách giường nằm tại nhiều bến xe còn lần lượt bỏ ra ngoài chạy “dù”, luồn sâu vào các khu đô thị, bãi đất trống để đón trả khách, lập bến “cóc” nhộn nhịp đêm ngày, gây rối loạn trật tự, ATGT, trật tự đô thị của Hà Nội. Trong khi đó các bến xe ngày một teo tóp, vận tải khách liên tỉnh dần bị thu hẹp. Tình trạng bỏ bến ra chạy “dù” dần trở thành trào lưu của xe khách liên tỉnh nói chung và xe khách giường nằm nói riêng.
Hà Nội đang quá tải giao thông trầm trọng, hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu đi lại. Ngay cả những loại phương tiện vận tải khách công cộng như xe buýt cũng đang phải vật lộn hằng ngày với ùn tắc. TP đang phải xem xét thay thế xe buýt cỡ lớn bằng xe nhỏ cho phù hợp với đặc thù đường phố chật hẹp tại các quận trung tâm. Xe taxi thì bị hạn chế hoạt động theo giờ trên một số trục đường chính có lưu lượng giao thông lớn.
Nhưng nghịch lý ở chỗ xe khách giường nằm, chỉ cần một tấm phù hiệu “Xe hợp đồng” là ung dung diễu phố. Đã đến lúc Hà Nội cần xem xét lại hoạt động của xe khách giường nằm, có kịch bản kiểm soát, giám sát loại hình này cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Nên cấm theo giờ
Chịu sức ép tương tự như Hà Nội trong nhiều năm, vừa qua, TP Hồ Chí Minh bắt đầu hạn chế hoạt động của xe khách giường nằm tại khu vực đô thị trung tâm. Đó là giải pháp cần thiết cho không chỉ hai TP mà cả các đô thị lớn trên toàn quốc trong bối cảnh hiện tại. Với Hà Nội, việc cấm xe giường nằm hoạt động, đón trả khách trên nhiều tuyến phố, trong các cung giờ cao điểm lại càng trở nên quan trọng.
Ví dụ như với khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm), cần cấm xe giường nằm trong các cung giờ cao điểm sáng - chiều. Việc đưa đón khách du lịch buộc phải thực hiện trong khoảng thời gian ít xe cộ qua lại nhất để góp phần giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông. Bị hạn chế trong hoạt động, xe giường nằm sẽ buộc phải tự điều chỉnh, tạo ra các điểm tập trung hành khách, chấm dứt tình trạng rải rác mỗi điểm đôi ba người, xe chạy lòng vòng phố cổ gây ùn tắc giao thông như hiện nay.
Những tuyến phố luôn là điểm nóng về tình trạng xe khách trá hình như Nguyễn Hoàng, Trần Vỹ lại càng cần phải cấm xe giường nằm hoạt động theo giờ. Mở rộng hơn nữa, khu vực xung quanh các bến xe lớn cần điều phối hoạt động của xe khách giường nằm theo giờ để hạn chế xe khách trá hình, hướng hành khách tìm đến bến xe, giảm thiểu mất trật tự, ATGT, văn minh đô thị cho các quận.
Hà Nội cũng cần khảo sát thực tế, xây dựng một số lộ trình cụ thể cho xe giường nằm ra vào đô thị trung tâm đón trả khách. Với những tuyến đường không cho phép xe giường nằm hoạt động, cần hướng dẫn cụ thể để người dân sử dụng xe buýt, taxi kết nối, hoặc khuyến khích DN phát triển loại hình xe trung chuyển.
Mặt khác, khi cấm xe giường nằm quanh các bến xe lớn hay đô thị lõi, lực lượng chức năng cũng sẽ có thêm một công cụ để sàng lọc, kiểm tra xử lý vi phạm của xe khách trá hình. Qua đó các văn phòng đại diện nhà xe lập nên để lách luật, gom khách sẽ bị đẩy ra khỏi khu vực đông dân cư, vừa giải tỏa áp lực về giao thông, vừa tạo thế công bằng trong cạnh tranh vận chuyển khách liên tỉnh, vãn hồi lại trật tự vận tải.
Trong khi Bộ GTVT chưa đưa ra được những giải pháp căn cơ, lấp lỗ hổng pháp lý, việc phân vùng, hạn chế hoạt động của xe khách giường nằm cũng như xe hợp đồng nói chung có thể coi là công cụ tốt nhất để đối phó với vấn nạn xe khách trá hình.
Việc quản lý, xây dựng cơ chế chính sách cho ngành vận tải là chức trách của Bộ GTVT, nhưng quản lý hạ tầng giao thông trong mỗi đô thị là quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Với những loại hình có thể gây nhiều hệ lụy như xe giường nằm, Hà Nội có thể tự siết chặt hoạt động, không cần chờ đợi những thay đổi lớn về cơ chế, chính sách.