Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chót cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Cái giá của lãng phí

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 31/3/2021 là hạn chót Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông phải hoàn thành đi vào khai thác và Bộ GTVT phải hoàn thiện các thủ tục để bàn giao cho UBND TP Hà Nội quản lý, vận hành. Tuy nhiên, dự án này vừa chính thức đi qua một cột mốc quan trọng nữa với điệp khúc “lỡ hẹn” quen thuộc.

 Hạn chót cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Cái giá của lãng phí
Trong buổi kiểm tra hiện trường và trả lời báo chí vào sáng 31/3, đại diện Bộ GTVT thông tin, đây mới là thời điểm bắt đầu cho việc kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ để tiến tới hoàn thành công tác bàn giao Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông về cho UBND TP Hà Nội trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến một tháng tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân Thủ đô sẽ phải đợi thêm, ít nhất là khoảng một tháng nữa để có thể được đi lại trên tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin, công việc còn lại của dự án là công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Đây không phải là vướng mắc mà do tư vấn ATC của Pháp đưa ra các khuyến cáo chủ yếu liên quan đến tiếp tục xử lý, diễn tập các tình huống khẩn cấp, bất ngờ. Đáng chú ý, ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án thí điểm, được thực hiện trong điều kiện khó khăn như hệ thống luật pháp, tiêu chuẩn của Việt Nam chưa có, chưa đồng bộ kể cả quản lý, đơn giá, năng lực quản lý, điều hành dự án còn hạn chế. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến dự án này không thể “về đích” như kế hoạch ban đầu.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể rút ra nhiều bài học cho tương lai. Trong đó có một bài học “nhãn tiền” là phải đưa người đi học trước ở nước ngoài, nắm rõ về những loại hình công nghệ mới rồi về mới triển khai đầu tư. Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo Bộ GTVT lên tiếng lý giải về những vướng mắc gặp phải tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khiến cho công trình này liên tục “trễ hẹn”.

Khách quan mà nói, quan điểm của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông không sai. Đúng là dự án được triển khai trong bối cảnh như hệ thống luật pháp, tiêu chuẩn của Việt Nam chưa có, chưa đồng bộ. Nói một cách nôm na, quá trình triển khai dự án này giống như kiểu vừa đi vừa dò đường, vướng đâu thì gỡ đó, mắc chỗ nào thì tháo chỗ đó. Chỉ có điều, với tổng vốn đầu tư (sau khi bị đội vốn) lên tới 18.000 tỷ đồng thì đường sắt Cát Linh - Hà Đông càng kéo dài, thiệt hại sẽ càng lớn, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

18.000 tỷ đồng là đắt hay rẻ? Đương nhiên, trong bối cảnh hiện tại, hay nói như cách của các bạn trẻ là “đến tầm này” rồi thì có đào sâu, mổ xẻ những vấn đề tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng chẳng thể giúp dự án này “về đích” sớm hơn. Điều quan trọng lúc này là tất cả phải cùng đồng lòng, chung sức để cùng đẩy đoàn tàu này ra khỏi nơi mắc cạn.

Điều này chúng ta đã và đang có. Đó là sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, là sự nỗ lực của Bộ GTVT, sự phối hợp hết mức của TP Hà Nội. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, việc liên tục phải nghe cái điệp khúc “lỡ hẹn” rồi “lùi tiến độ” khiến cho cảm xúc đi từ háo hức, chờ đợi đến thất vọng là cảm giác chẳng dễ chịu một chút nào đối với bất kỳ người dân Thủ đô hay người dân Việt Nam trong thời gian qua. Rồi mọi người cũng không thể không đặt câu hỏi: Liệu cái mốc thời gian 3 tuần đến một tháng mà Bộ GTVT vừa đưa ra có đáng tin cậy nữa hay không?!