Chỉ thị nêu nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong đó nhấn mạnh: Tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm 2019 ở các khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10 - 30%, các khu vực khác ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn TBNN; từ tháng 1-3/2020 trên cả nước, lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN, tháng 4/2020 phổ biến thấp hơn TBNN từ 10 - 25%. Dòng chảy trên các sông, suối từ tháng 11/2019 - 4/2020 các khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ thiếu hụt so với TBNN từ 20-50%.
Đến cuối mùa mưa, các hồ chứa thủy lợi khả năng sẽ không tích được đầy nước, phổ biến thiếu hụt từ 10 - 20% so với dung tích thiết kế (DTTK). Các hồ chứa thủy điện cũng ở mức thấp hơn DTTK phổ biến từ 20 - 40%; trong đó, các hồ chứa thủy điện cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ thiếu hụt khoảng 40-50% DTTK.
Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 ở nhiều vùng trên cả nước; đặc biệt, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức sớm và nặng hơn so với TBNN.
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.
Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2019 - 2020.
Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.
Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt; tăng cường sử dụng trang, thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như: bồn trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình, hóa chất xử lý nước. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động, như: Xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.
Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.