Ngày 27/3, tại TP Cần Thơ, đã diễn ra Hội thảo "Sống chung với hạn, mặn vùng ĐBSCL".
Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình những năm trước. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8/3 đến ngày 13/3 với ranh mặn 4‰ lấn sâu vào các dòng sông từ 40-66 km, có nơi sâu hơn. Riêng tại Bến Tre, có nơi xâm nhập mặn còn sâu hơn ranh mặn kỷ lục ở ĐBSCL năm 2016.
Theo đó, các nhà khoa học của Viện Khoa học Tài nguyên Nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại khu vực ĐBSCL. Kết quả cho thấy với kịch bản hiện trạng, tổng mức thiệt ở khu vực này khoảng 70.168 tỉ đồng/năm. Đây là thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất gồm cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản.
Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho rằng, ĐBSCL chịu tác động của ba yếu tố chính, gồm nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông, nước biển dâng - biến đổi khí hậu và tình hình nội tại do phát triển kinh tế xã hội.
Từ những dự báo sớm, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã có những chỉ đạo điều hành sản xuất hợp lý. Riêng hai thứ trưởng của Bộ đã chủ trì hai cuộc hội nghị tại ĐBSCL để chủ động triển khai các giải pháp cũng như thực hiện Công điện của Thủ tướng về ứng phó với hạn mặn.
Về giải pháp công trình, trong vùng đã được đầu tư những dự án thủy lợi lớn như: Cái Lớn - Cái Bé mang lại hiệu quả cho vùng Hậu Giang, Kiên Giang; hay cống Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang mặc dù chưa xong nhưng đã kịp thời kiểm soát, nhất là bảo vệ nhà máy nước Đồng Tâm Tiền Giang.
Ông Trần Bá Hoằng đề xuất: "Cần xem hạn mặn đã là thuộc tính của ĐBSCL, xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Cần quan tâm công tác dự báo, để chủ động. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn mặn".
Còn PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: Mặc dù một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: Xây dựng hệ thống kênh rạch dẫn nước ở ĐBSCL; các công trình ngăn mặn lớn tại ĐBSCL gồm hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp; hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre, cống đập Ba Lai và hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL, tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao, khó lường.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, triển khai chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó với tình trạng hạn mặn, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất cấp bách. Bên cạnh các biện pháp chung ở cấp vùng, mỗi địa phương trong khu vực cũng cần thực hiện những biện pháp riêng phù hợp với điều kiện của mình.