Ngày 17/7, phía Hàn Quốc đã đề xuất các cuộc đàm phán quân sự với Triều Tiên trong tuần này để giảm căng thẳng.
Đề xuất này là động thái hòa đàm chính thức đầu tiên của chính phủ Tổng thống Moon Jae-in, mới lên nắm quyền vào tháng 5 với cam kết vừa xúc tiến đối thoại, vừa gây sức ép lên Bình Nhưỡng để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi đề nghị các cuộc đàm phán quân sự với Triều Tiên vào ngày 21/7 tại Tongilgak để ngăn chặn tất cả các hoạt động thù địch gây căng thẳng quân sự tại tuyến phân định quân sự", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk phát biểu trong một cuộc họp báo.
Đề xuất này cũng đánh dấu cuộc đàm phán cấp chính phủ đầu tiên kể từ cuối năm 2015 nhằm ngăn chặn các hoạt động thù địch tại khu vực biên giới chung và sau một loạt các cuộc thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong những tuần gần đây.
Địa điểm đàm phán là Tongilgak - một tòa nhà của Triều Tiên ở làng đình chiến Panmunjom tại khu vực biên giới, đã được sử dụng cho các cuộc đàm phán liên Triều trước đó. Cuộc đàm phán cấp cao cuối cùng đã được tổ chức vào tháng 12/2015.
Đề xuất này được đưa ra gần một tuần sau khi Tổng thống Moon khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức đối thoại với CHDCND Triều Tiên để ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ông Moon đã đề nghị dừng các hoạt động quân sự thù địch ở biên giới liên Triều vào ngày 27/7, kỷ niệm hiệp định đình chiến năm 1953 giữa 2 miền Triều Tiên.
Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc ngày 17/7 cũng đề xuất các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng để thảo luận về các cuộc tái ngộ của các gia đình bị chia rẽ trong Chiến tranh Triều Tiên. Hội Chữ thập đỏ đề nghị các cuộc thảo luận này nên được tổ chức vào ngày 1/8 để có thể lên kế hoạch gặp gỡ vào kỳ nghỉ Chuseok vào tháng 10 năm nay.