Trước đó, các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế đã dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm nay sẽ chỉ dừng ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đến tận tháng 10 vừa qua vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng vượt mức 3%. Nhưng đến thời điểm cuối năm này thì chính quyền đã phải nhìn nhận về sức khỏe thật sự của nền kinh tế.
Kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp, Mỹ và các nước Liên minh châu Âu đã cắt giảm giao dịch quốc tế, kéo theo tình trạng sụt giảm trong xuất khẩu nói chung. Với Hàn Quốc - nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đây là một cú sốc lớn ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, Trung Quốc, nơi tập trung nhà máy và công xưởng của nhiều tập đoàn, công ty toàn cầu, có nền kinh tế đi xuống, đồng thời giá dầu quốc tế duy trì xu hướng giảm. Bên cạnh đó là các vấn đề trong nước như tỷ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh làm giảm số người tham gia hoạt động kinh tế. Gánh nặng nợ hộ gia đình ngày càng tăng, còn một số ngành công nghiệp chế tạo mất đi sức cạnh tranh. Tất cả những điều này đang cản trở bước phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc.
Dù Chính phủ dự đoán năm 2016 tình hình sẽ khả quan hơn và tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 3%, nhưng nhiều tổ chức lại đưa ra dự báo không mấy khả quan. Viện nghiên cứu kinh tế LG dự đoán 2,7% còn Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai đưa ra con số 2,8%. Nhiều tổ chức nước ngoài và các ngân hàng đầu tư quốc tế thậm chí còn nêu mức triển vọng thấp hơn như Công ty chứng khoán Nomura của Nhật Bản nhận định rằng kinh tế Hàn Quốc sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 2,5%.