Đây là các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện và hành lang ATGT đang tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Không sợ… điện
Dọc hai bên QL1A kéo dài gần 2km đoạn qua xã Vạn Điểm và xã Văn Tự hiện có hơn 20 cột điện hạ thế do Công ty Điện lực Thường Tín quản lý đang nằm trong nhà, xưởng sản xuất của các hộ dân. Sự việc này không chỉ gây bất bình cho cán bộ Công ty Điện lực Thường Tín, mà còn là nỗi bức xúc của người dân thường ngày đi qua tuyến đường này phải chứng kiến cảnh những hộ dân “điếc” không sợ điện. Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, toàn bộ cột điện hạ thế ở đây đều nằm trên hành lang ATGT đường bộ do cơ quan chức năng và chính quyền sở tại quản lý.
Qua tìm hiểu được biết, những năm về trước, do 2 địa phương buông lỏng quản lý nên các hộ mới đua nhau lấn chiếm hành lang giao thông ở phía trước cửa nhà rồi xây tường bao, làm khung sắt, mái tôn “ôm” trọn cột điện vào trong công trình. Ngoài ra, một số trường hợp còn san lấp đất nông nghiệp ven QL1A làm nhà xưởng sản xuất “nuốt” cả cột điện vào bên trong. Có những chiếc cột điện “cõng” theo đồng hồ điện hiện đang nằm trên mái nhà hoặc ở bên trong nhà dân. Mỗi khi đi kiểm tra chỉ số điện, nhân viên Công ty Điện lực phải chờ chủ nhà mở cửa hoặc leo trèo lên mái nhà mới thực hiện được. Do các công trình này chủ yếu được làm bằng khung sắt, mái tôn nên rất nguy hiểm nếu xảy ra chập, cháy điện, thì đây sẽ là vật dụng thuận tiện để dẫn điện. Tuy nhiên, trước những vi phạm có hệ thống đã xảy ra nhiều năm qua đang tiềm ẩn nguy hiểm, chính quyền sở tại vẫn thờ ơ trước sự việc (?).
Thờ ơ trước vi phạm
Để làm rõ những vi phạm nêu trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo của 2 địa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà chỉ thừa nhận, QL1A đi qua địa bàn xã kéo dài khoảng 500m. Tại đây, đã có nhiều hộ dân dựng công trình nằm trên phần đất hành lang giao thông đang có cột điện hạ thế, dây, đồng hồ điện tồn tại ở bên trong nhà. Nhưng, do địa phương chưa thống kê cụ thể nên chưa xác định được hiện có bao nhiêu cột điện đang nằm trong nhà người dân. Mặt khác, ông Hà cho rằng: “Trách nhiệm chính để giải quyết vấn đề này thuộc về Công ty Điện lực Thường Tín chứ không phải UBND xã”. Còn Chủ tịch UBND xã Văn Tự Phạm Văn Tuyên thì lúng túng thừa nhận: “Hiện, địa bàn xã có nhiều hộ vi phạm làm nhà xưởng sản xuất gỗ trên đất nông nghiệp và đất hành lang giao thông “ôm” trọn cột điện hạ thế vào bên trong. Nhưng, do UBND xã chưa kiểm tra nên không xác định được bao nhiêu trường hợp có công trình vi phạm”.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thường Tín Nguyễn Hồng Cường khẳng định: “Những năm về trước, do 2 địa phương buông lỏng quản lý nên đã để người dân đua nhau dựng nhà xưởng bằng khung sắt, mái tôn làm kho, nơi bán hàng trên đất nông nghiệp và hành lang giao thông đường bộ. Trước thực trạng vi phạm, Công ty đã lập hồ sơ, đồng thời thông báo đến UBND các xã và cảnh báo cho các hộ mức độ cháy, nổ đang tiềm ẩn nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng cũng như tài sản của người dân. Tuy nhiên, cả chính quyền cũng như người dân rất thờ ơ trước sự việc, gây khó khăn cho công tác quản lý lưới điện hạ thế ở đây…”.