Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng hiệu bán chỗ bình dân

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều người đã đặt câu hỏi, thậm chí là chỉ trích khi Đội tuyển (ĐT) Việt Nam rời địa chỉ quen thuộc Mỹ Đình để đá giao hữu tại sân Hàng Đẫy vốn có điều kiện không đảm bảo.

Bản thân HLV Nguyễn Hữu Thắng đã lớn tiếng cho rằng, chính mặt sân không đảm bảo là lý do khiến ĐT thi đấu không thành công.
Đội tuyển mất giá?
Nhiều người đã đặt câu hỏi như vậy sau khi ĐT thi đấu tại Hàng Đẫy. Lâu lắm rồi người ta mới thấy ĐT trở về với một sân vận động vốn có điều kiện về cơ sở vật chất hạn chế. Khán đài xuống cấp. Mặt cỏ không đảm bảo, lồi lõm khiến lối chơi kỹ thuật khó phát huy và cầu thủ thường phải đối diện với nguy cơ chấn thương. Ngoài ra, hệ thống phòng chức năng của sân Hàng Đẫy đã bị xuống cấp. Đây cũng là lý do khiến AFC không chấp nhận cho Hà Nội FC chọn Hàng Đẫy làm sân nhà khi tham dự đấu trường AFC Cup.

Một pha bóng trong trận Việt Nam gặp Đài Loan (Trung Quốc) trên sân Hàng Đẫy.

Vậy nhưng, VFF vẫn chọn Hàng Đẫy làm nơi tổ chức trận giao hữu quốc tế nhằm chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup. Nhiều người chỉ trích VFF không dành những điều kiện tốt nhất cho ĐT trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện lớn. Người khác đặt câu hỏi, với cách chuẩn bị có phần cẩu thả như vậy, ĐT có thể tiến bộ về chuyên môn hay không? Ngoài ra, phải kể đến hình ảnh và vị thế của bóng đá Việt Nam với các nhà tài trợ và đối tác nước ngoài khi ĐT không được thi đấu ở một nơi khang trang, hiện đại?
Thế thời phải thế
Nhiều người không hài lòng với VFF khi không lo được cho ĐT thi đấu ở nơi có điều kiện tốt nhất. Bản thân HLV Hữu Thắng đã rất vui vì sau trận đấu với ĐT Đài Loan (Trung Quốc), không cầu thủ nào của ĐT bị chấnthương do mặt sân quá xấu. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, việc VFF bán hàng hiệu ở chỗ cửa hàng bình dân cũng có cái lý của nó. Một thời gian dài ĐT thi đấu không thành công khiến sức hút với dư luận giảm sút rõ rệt. Bằng chứng là dù trận đấu diễn ra ở trung tâm TP, giá vé rất mềm nhưng chỉ có vài ngàn khán giả đến sân. Con số này sẽ giảm đi đáng kể nếu ĐT thi đấu ở Mỹ Đình, một nơi khá xa trung tâm.
Với HLV Hữu Thắng, đá giao hữu là nhằm giúp ông có điều kiện chuẩn bị về chuyên môn, nhưng với các nhà tổ chức, đó là một thương vụ kinh doanh. Mà đã là kinh doanh thì phải tính đến chuyện lỗ, lãi. Với một nền bóng đá vẫn còn kém phát triển, doanh thu từ quảng cáo chưa đủ cho các hoạt động thì mỗi trận đấu quốc tế luôn mang đến “cơn đau đầu không hề nhẹ” cho những nhà tổ chức. Thường thì VFF sẽ phải chi trả các khoản tiền như: Tiền thuê sân bãi, an ninh, truyền thông, vé máy bay, chí phí ăn ở cho đội khách, trọng tài. Nếu là những đội bóng mạnh cỡ Thái Lan trở lên thì mỗi trận đấu, VFF sẽ phải chi từ 50.000 đến vài trăm ngàn USD. Nếu không bán được vé, VFF sẽ phải bù lỗ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng cho mỗi trận đấu giao hữu. Mà trong một năm, từ ĐT U22 đến ĐT quốc gia nam, ĐT quốc gia nữ, VFF phải chi đến hàng chục tỷ đồng cho các trận đấu giao hữu. Vì thế, bài toán kinh doanh luôn được đặt lên hàng đầu, và sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu ĐT đá ở Cần Thơ, Cẩm Phả hay Hàng Đẫy, bởi khi ấy, VFF sẽ bớt phải chi tiền.
“Con không chê bố mẹ khó”. Chắc chắn, ĐT hay bất cứ đội bóng nào cũng phải chấp nhận những điều kiện thi đấu ở mức vừa phải trong bối cảnh VFF chẳng dư dả về tài chính. Thậm chí, để có tiền cho ĐT U20 đi tập huấn chuẩn bị cho VCK U20 thế giới, VFF đã phải chạy đôn chạy đáo từ các nhà tài trợ trong nước đến FIFA để có được vài ba tỷ đồng lo cho các cầu thủ. Tất nhiên, cái khó sẽ không còn nhiều nếu các ĐT thực sự có sức hút, thành tích luôn ổn định ở mức cao để cơ quan quản lý bóng đá khai thác được giá trị về thương quyền. Còn bây giờ, họ phải chấp nhận hạnh phúc với những gì đang có.