Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng hóa Tết dồi dào, sức mua tăng mạnh

Lê Nam – Sỹ Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận tại một số siêu thị và chợ truyền thống những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018 cho thấy, sức tiêu thụ hàng Tết mặc dù tăng mạnh nhưng lượng hàng hóa được bảo đảm, phong phú đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

 Người tiêu dùng mua hàng Tết tại siêu thị Fivimart Đại La. Ảnh: Lê Nam
Hàng Tết vào mùa, sức mua tăng dần
Tại chợ đầu mối Đồng Xuân bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, các mặt hàng đồ khô, măng, miến, bánh, mứt kẹo, hạt dưa, hạt bí… đã bước vào đợt cao điểm với lượng hàng tăng 20 - 30% so với 2 tuần trước. Các chợ đầu mối rau quả cũng bắt đầu vào thời gian cao điểm. Chợ đầu mối Long Biên mỗi ngày có khoảng 300 - 400 tấn hàng hóa lưu thông nhưng thời điểm hiện tại, lượng hàng đã tăng lên gấp 1,5 lần, với trên 500 tấn/ngày.
Chợ Mai Động, Láng, Kim Ngưu... cũng tiếp nhận nguồn rau củ lớn từ khu vực ngoại thành Hà Nội. Chị Thu Trang, tiểu thương chợ Mai Động, cho biết: "Đặc thù hàng rau củ tươi thường ít được mua sớm nên sức mua vẫn thấp, tuy nhiên khoảng 5 - 6 ngày sát Tết, sức mua bắt đầu tăng mạnh, khoảng 40 - 60% so với trước thời điểm Tết ông Công, ông Táo”.

Ở thời điểm này, với nhiều lợi thế về chủng loại, mẫu mã đa dạng các siêu thị như Big C, Vinmart, Hapro, Fivimart đã bắt đầu đông khách hàng mua sắm Tết. Thông tin từ hệ thống siêu thị Vinmart cho thấy: Trong những ngày giáp Tết, sức mua tại các hệ thống của Vinmart đã tăng 3 - 4 lần so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, hóa phẩm cùng một số mặt hàng khô. Đặc biệt, các mặt hàng đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm và các mặt hàng có mức giảm giá mạnh đã được bán ra một lượng rất lớn, hơn 60% so với kế hoạch.

Những ngày này lượng khách đến mua sắm tại siêu thị Big C tăng hơn gấp 3 lần so với ngày thường. Nhân viên thu ngân phải làm việc hết công suất mới có thể đáp ứng được nhu cầu mua hàng Tết của người tiêu dùng. Dự kiến sức tiêu thụ hàng Tết năm nay sẽ tăng hơn 15% so với sức mua trong dịp Tết Nguyên đán 2017.
Giám đốc quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C Vũ Thanh Tân cho biết: Nếu trong hai tuần trước, sức mua tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như giỏ quà, bánh, mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, đồ gia dụng thì ở thời điểm này lại tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Tại Đà Nẵng, không khí mua sắm tưng bừng diễn ra khắp mọi nẻo đường. Tại các công viên, các điểm bán hoa và cây cảnh đã trưng bày đa dạng các chủng loại hoa cảnh rực rỡ sắc màu, báo hiệu một mùa Xuân mới đã đến. Sức mua và giá cả cùng tăng tốc trong những ngày cuối cùng của năm Đinh Dậu.
Tại các siêu thị và chợ, hàng Tết đã tràn ngập, sức tiêu thụ tăng ít nhất 60%, dự báo sẽ tăng 100% vào những ngày tới. Chị Lê Phương Thảo (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ: "Gia đình tôi bắt đầu sắm Tết từ một tuần nay rồi và thấy giá cả vẫn như mọi năm".

Ghi nhận từ các siêu thị, chợ trong TP cho thấy nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến cũng bắt đầu tăng giá từ 5 - 10%. Dù vậy, sức tiêu thụ vẫn tăng song hành, tăng mạnh nhất là mặt hàng bia, nước ngọt cũng tăng.
Anh Thanh Tuấn, một người buôn hoa cho biết: "Năm nay có rất nhiều loại hoa, cây cảnh độc đáo so với năm ngoái. Tuy nhiên, người dân vẫn thích những cây có giá trị trung bình như cúc, thược dược. Một gốc mai tiểu có giá khoảng 1,5 triệu đồng, loại trung 2,5 triệu đồng, loại đại chừng 5 triệu đồng. Ngoài ra, có những gốc mai cổ thụ có giá lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng".
 Tại các chợ, bánh kẹo, các loại mứt đã lên đầy trên sạp với đủ loại màu sắc thu hút người mua. Ảnh: Sỹ Linh
Tăng khuyến mãi, ngăn tăng giá bất hợp lý
Thực tế tại hệ thống chợ truyền thống cho thấy, thời điểm này giá bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã bắt đầu tăng. Hiện giá thịt ba chỉ đã tăng 5.000 đồng/kg, dự kiến từ nay đến 30 Tết có thể tăng lên 100.000 đồng/kg; sườn ở mức 100.000 đồng/kg và dự báo có thể lên mức 110.000 đồng/kg. Giá gà lông được bán với giá 110.000 đồng/kg, trong khi tháng trước chỉ ở mức 90.000 - 100.000 đồng/kg…

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, qua đó ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, các DN thương mại đã chuẩn bị lượng hàng hóa tổng giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017).
Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của Nhân dân Thủ đô, dự kiến đưa ra lượng hàng hóa đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn cho biết, DN này đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu. Trong khi Giám đốc Vùng vận hành Vinmart miền Bắc Nguyễn Ngọc Dung cho biết, ngoài số hàng hóa đang dự trữ tại hệ thống siêu thị Vinmart, DN còn dự trữ tại tổng kho 500 tấn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức 446 điểm bán hàng bình ổn giá.

Thực tế tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy, để tăng sức mua, các siêu thị đang “chạy đua” các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 5 - 49% đối với hàng nghìn mặt hàng, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm chế biến và tươi sống, hàng công nghệ phẩm, tặng điểm thưởng, ưu đãi khi mua vào “giờ vàng”...
Từ nay đến hết ngày 15/2/2018 (30 Tết) hệ thống Big C triển khai chương trình Cam kết Khóa giá - niêm yết giá không đổi đối với 11.300 sản phẩm hàng tiêu dùng. Trường hợp giá các siêu thị bán lẻ khác giảm giá, Big C sẽ điều chỉnh giảm để phù hợp với chương trình. Đồng thời siêu thị Big C còn tổ chức khuyến mãi “Dọn nhà mới rước lộc Xuân”, giảm giá đến 50% cho nhiều mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, quần áo thời trang...
Siêu thị Co.opmart Hà Nội cũng cam kết từ nay đến 29 Tết sẽ đảm bảo cung cấp đủ 9 nhóm hàng bình ổn giá niêm yết, đồng thời giảm thêm 10 - 50% cho hơn 5.000 sản phẩm Tết gồm một số loại rau củ quả, trứng gia cầm, bánh kẹo, sữa, dầu ăn, trái cây, giò chả, giò lụa, lạp xưởng, nước giải khát, sản phẩm thời trang...
Theo quy luật, càng sát những ngày Tết, thị trường hàng hóa không loại trừ khả năng sẽ có nhiều biến động nhẹ do sức mua tăng mạnh. Vì vậy, các DN thương mại phải chủ động tích trữ đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu có nhu cầu tăng mạnh từ ngày 28 Tết…, qua đó không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú