Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng không châu Âu đã “mỏi cánh”?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ám ảnh trong ngành công nghiệp hàng không tuần qua là hình ảnh 2 quản lý cao cấp của Hãng hàng không Air France ngày 5/10 đã phải bỏ chạy khỏi cuộc họp thông báo kế hoạch sa thải 2.900 vị trí vì bị nhân viên “rượt đuổi”.

Đủ kiểu tái cơ cấu

Động thái cắt giảm nhân sự quy mô lớn này nằm trong nỗ lực tối giản chi phí để kích thích tăng trưởng của Air France nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhân viên. Các phi công của Air France đã thực hiện cuộc đình công dài nhất trong lịch sử hãng trong năm ngoái sau khi được yêu cầu làm việc thêm 15 - 20% thời gian nhưng không được tăng lương.
Lãnh đạo của Air France phải trèo qua hàng rào để thoát khỏi sự rượt đuổi của các nhân viên ngày 5/10.                          Ảnh: Reuters
Lãnh đạo của Air France phải trèo qua hàng rào để thoát khỏi sự rượt đuổi của các nhân viên ngày 5/10. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Air France không phải là hãng duy nhất đối diện với xu hướng tái cơ cấu để tồn tại của ngành hàng không châu Âu. Vào cuối tháng 3 năm nay, hãng hàng không Lufthansa của Đức từng phải hủy bỏ gần một nửa số chuyến bay đường dài của hãng vì cuộc đình công kéo dài 4 ngày của các phi công nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm lương hưu và nhiều chi phí khác nhằm cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ.

Bên cạnh nỗ lực cắt giảm chi phí hoạt động, các hãng hàng không lớn nhất châu Âu cũng đang nỗ lực tìm nguồn doanh thu trong sân sau. Vào tháng 9/2014, với mong muốn thoát nguy cơ lỗ triền miên, Air France-KLM đã lập kế hoạch chuyển phần lớn các tuyến bay châu Âu của mình sang Transavia - một hãng bay giá rẻ được KLM mua lại 11 năm trước.

Bùng nổ hàng không giá rẻ

Nhiều hãng hàng không châu Âu chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ "cuộc xâm lăng" của các hãng hàng không vùng Vịnh như Qatar Airways hay Emirates - được cho là nhận viện trợ từ Chính phủ nhằm dịch chuyển tầm ảnh hưởng từ khu vực sang châu Âu. Việc Air France lảng tránh các tuyến bay châu Âu phản ánh tính chất khốc liệt trong cạnh tranh giá vé, nơi các hãng hàng không giá rẻ chiếm lĩnh thị trường các tuyến bay ngắn. Chi phí nhân công của các hãng này thường thấp hơn đáng kể so với Lufthansa, Air France và British Airways, vốn có các tuyến cách xa trạm trung chuyển của hãng.

Do đó, những hình ảnh lãnh đạo của Air France bị rượt đuổi như trong phim hành động có khả năng lặp lại trong bối cảnh sự bùng nổ của hàng không giá rẻ trong thời gian qua khiến thị trường hàng không châu Âu chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt.

Thực ra, bi kịch của các hãng hàng không châu Âu cũng là một vòng tròn luẩn quẩn. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm cũng phần nào tác động tiêu cực lên nhu cầu đi lại cũng như du lịch của người dân, việc các hãng hàng không tái cơ cấu đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp cùng mức lương cơ bản khiến nhu cầu tiêu dùng suy giảm và buộc người dân lại thắt chặt chi tiêu.