Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng không tăng trưởng “nóng”: Tìm giải pháp quản lý giá vé máy bay

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh ngành Hàng không tăng trưởng “nóng” như hiện nay, việc quản lý giá vé máy bay để tránh tình trạng bán dưới giá trần, bán phá giá được nhiều chuyên gia và các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm.

Kiểm tra vé của hành khách trước khi lên máy bay của hãng hàng không Vietjet. Ảnh: Công Hùng
Với tốc độ phát triển chóng mặt cả về thị trường và sản lượng vận chuyển trong thời gian qua, có thể nói ngành Hàng không đang bước vào giai đoạn phát triển vô cùng mạnh mẽ. Trong thời gian tới, khi tiếp tục có nhiều hãng bay mới hình thành, “sức nóng” của ngành vận tải đặc thù này sẽ còn sôi động hơn nữa. Đây cũng chính là thời điểm những bất cập trong công tác quản lý giá vé được bộc lộ, đòi hỏi cần có giải pháp căn cơ để tháo gỡ.
Không cần bàn việc bán vé dưới giá thành
Trong buổi tọa đàm “Hàng không Việt Nam, cơ hội và thách thức” mới được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức, câu chuyện quản lý giá vé máy bay nhận được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của nhiều khách mời. Liên quan đến câu hỏi có hay không việc “cạnh trạnh giảm giá vé dưới giá thành”, ông Đinh Việt Phương - Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air khẳng định “không ai muốn sân bay vắng khách” nhưng việc các hãng bán vé dưới giá thành là không có. “Chúng ta đều là những nhà kinh doanh, tất cả phải quay về bài toán có lợi nhuận hay không. Chúng tôi cạnh tranh bằng giá trên cơ sở có tối ưu về vấn đề chi phí” - ông Phương nói và phân tích thêm, việc tính giá vé máy bay phải dựa trên nhiều tiêu chí, từ chi phí tối ưu, chi phí thấp, chi phí cạnh tranh chứ không phải cứ nhìn vào giá vé là nói bán dưới giá thành.
Trong khi đó, ông Dương Chí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, hàng không là mặt hàng không thể lưu trữ, cất kho. Do đó, kể cả khi các hãng có chính sách khuyến mãi, bán vé giá rẻ để kích cầu nhưng vấn đề quan trọng là tồn tại được lâu hay không. “Về mặt dài hạn nếu thu không đủ để chi ra thì không thể tồn tại. Trừ khi có một nguồn khác nuôi, ví dụ như giá vé được Nhà nước bù lỗ chẳng hạn. Do đó, chừng nào việc giảm giá là bền vững thì vé máy bay được bán dưới giá thành hay không cũng không cần thiết phải bàn đến” - ông Thành phân tích.
Quan điểm của ông Dương Chí Thành nhận được sự tán thành của TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư khi chuyên gia kinh tế này cho rằng, khái niệm về giá thành đối với vé máy bay là một khái niệm đã xưa cũ và không còn phù hợp. “Khái niệm của giá thành là của kinh tế cũ chứ không phải kinh tế thị trường. Mình làm sao biết DN họ hạch toán thế nào, đó là bí mật của Công ty. DN thì phải có lãi. Tôi không cho rằng một hãng hàng không mới ra đời, có khả năng cạnh tranh không lành mạnh với các hãng lớn sẵn có” - TS Nguyễn Đình Cung khẳng định, đồng thời đưa ra cách giải quyết rất đơn giản cho tranh cãi về có hay không việc bán phá giá vé máy bay, đó là nếu hãng nào thấy đối thủ bán phá giá thì có thể khởi kiện.
Nên xem lại quy định giá trần vé máy bay
Phân tích sâu hơn về việc xác định vé máy bay của một hãng bán ra có ở dưới mức trần hay không, GS Nawal Taneja - chuyên gia Hàng không quốc tế đưa ra thuật ngữ “bao cấp chéo” giữa các sản phẩm hàng không. Nói đơn giản là đối với bất kỳ hãng hàng không nào cũng đều có nhiều mức giá vé máy bay khác nhau. DN luôn phải tính toán một cách cân đối giữa các loại vé có mức giá khác nhau, bảo đảm doanh thu, làm ăn có lãi. Do đó, khi một hãng hàng không bán vé giá rẻ, kể cả thấp hơn mức trần thì cũng không thể kết luận là họ bán phá giá, bởi đó chỉ là một trong rất nhiều loại vé máy bay với nhiều mức giá khác nhau của hãng. “Theo tôi, nếu hãng hàng không có khả năng bao cấp chéo giữa các sản phẩm của họ thì tốt chứ sao. Nếu giá thấp thì ta phải hỏi giá thấp để làm gì? Chúng ta cần động lực cho cạnh tranh và cần cân đối những cơ chế của nhà nước, chi phí biên tối thiểu phải đáp ứng được, nếu không không bay được” - GS Nawal Taneja nói.
Chuyên gia giao thông quốc tế này cho rằng, về nguyên lý chung, một hãng hàng không khi quyết định bán vé máy bay rẻ hơn hãng khác thì mục tiêu của họ không gì khác ngoài thúc đẩy cạnh tranh và loại bỏ đối thủ khỏi cuộc chơi để giành lợi thế về thị phần hành khách. Nhưng ngay sau khi chiếm được thị phần, họ sẽ phải tăng giá trở lại. “Không hãng nào duy trì bán giá vé thấp mãi được. Họ bán giá thấp chỉ để loại bỏ đối thủ rồi sau đó tiếp tục tăng giá lại. Ta phải nhìn câu chuyện đằng sau các hãng hàng không, đằng sau đó mục đích là gì” - GS Nawal Taneja nói và nêu quan điểm, Chính phủ đang vận hành ngành Hàng không nhưng nên để các hãng chủ động về mặt giá vé máy bay để phát triển thị trường.
Trên thực tế, câu chuyện về việc có nên duy trì mức vé trần cho vé máy bay hay không đã được bàn thảo rất nhiều trong thời gian qua. Trong một hội nghị cấp cao du lịch Việt Nam vừa diễn ra gần đây, ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đã từng nhấn mạnh, việc để khung giá trần là điểm nghẽn về cơ chế cần giải quyết, để bản thân các hãng hàng không Việt Nam có thể thu lợi trong giai đoạn ngắn hạn.
Giá thấp đương nhiên là tốt nhưng nếu cạnh tranh không lành mạnh thì ảnh hưởng lâu dài cho thị trường. Không thể lấy một loại giá vé hoặc một đường bay mà phán, quan điểm giá thành là phải dựa trên tổng thể. Cục Hàng không Liên bang Mỹ và Bộ GTVT Mỹ không quản lý vấn đề này. Giá cả do các hãng tự quy định. Tuy nhiên ở Việt Nam, một số đường bay chúng ta còn đưa vào luật để quản lý khung.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng

Khung trần với 5 nhóm khoảng cách bay với các dải giá như hiện tại chưa phù hợp nên cần tính toán điều chỉnh chặt chẽ hơn. Đồng thời, phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch rồi mới tính đến việc các hãng bay tự quyết về giá bay.

Chuyên gia Hàng không PGS.TS Nguyễn Thiện Tống