Dù đã có 3 cơ hội để thu hút thí sinh, nhiều trường đại học vẫn không đạt được số lượng như mong muốn. Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Chu Văn An cho biết, kết thúc NV3, trường chỉ tuyển sinh được 20% chỉ tiêu được giao. Cả trường có 10 ngành thì 3 ngành tiếng Trung, tiếng Anh, Điện chỉ có vài thí sinh đỗ. "Chúng tôi phải thuyết phục các em chuyển sang học ngành khác và tạm ngưng đào tạo những ngành này trong năm nay. Nếu năm sau có thí sinh sẽ mở cửa trở lại", ông Định nói. Theo ông Định, việc tuyển sinh không đảm bảo sẽ gây lãng phí rất lớn. Nếu kéo dài nhiều năm giáo viên có thể sẽ nghỉ. Chỉ tuyển được khoảng 300 trên tổng chỉ tiêu 900, ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây buồn rầu cho hay, một số trường công lập cũng lấy điểm chuẩn bằng sàn nên nguồn tuyển cho các trường ngoài công lập trở nên cạn kiệt. Với những ngành hot như Kế toán Tài chính mọi năm có đông thí sinh đăng ký, song năm nay con số cũng hạn chế. "Chúng tôi sẽ tạm ngưng đào tạo những ngành không có thí sinh, trong đó có ngành buộc phải đóng cửa nếu năm sau vẫn không có thí sinh đỗ", ông Huỳnh thông tin. Không có khó khăn về nguồn tuyển như các trường ngoài công lập, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tuyển đủ chỉ tiêu được giao là 2.100 thí sinh, nhưng vẫn có hai ngành tạm đóng cửa là Kinh tế Chính trị và Thống kê Tin học. Hiệu phó Đào Hữu Hòa cho biết, ngay từ khi đăng ký hai ngành này đã có số thí sinh rất ít. ĐH Kinh tế lấy điểm chuẩn chung vào trường là 17, những thí sinh thi vào Kinh tế Chính trị và Thống kê Tin học chỉ đạt dưới mức điểm đó. "Nếu hạ điểm chuẩn vào trường sẽ có thêm hàng nghìn thí sinh, lại quá số lượng cần tuyển. Chính vì thế, chúng tôi quyết định dừng không đào tạo hai ngành trên trong năm nay", ông Hòa cho hay.
Khó khăn trên cũng phổ biến ở các trường khu vực miền Nam. Trưởng phòng đào tạo ĐH dân lập Văn hiến Nguyễn Quốc hợp cho biết, chỉ tiêu năm nay của trường là 1.300 nhưng kết thúc đợt tuyển sinh cuối cùng mới tuyển được khoảng 1.100. Tuy nhiên, con số thực tế nhập học có thể còn thấp hơn. Trường đã công bố đóng cửa 2 ngành Văn học và Xã hội học với lượng hồ sơ chỉ khoảng 20 cho mỗi ngành. Ở một số khối ngành xã hội không đến mức đóng cửa nhưng số thí sinh cũng chỉ khoảng 30 hồ sơ và trường phải cố bằng cân đối để mở ngành. Đối với một số đại học địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tình hình này còn nghiêm trọng hơn. Như ĐH An Giang, hàng loạt ngành chủ chốt thuộc khối sư phạm phải đóng cửa như: Sư phạm Vật lý (13 hồ sơ), Hóa học (7 hồ sơ), Địa lý (14 hồ sơ), chăn nuôi thú y (9 hồ sơ). Ngay cả ngành sư phạm Toán học tuy không phải đóng cửa nhưng lượng thí sinh trúng tuyển vào cũng chỉ khoảng 20 hồ sơ. Nghiêm trọng nhất là ĐH Đồng Tháp có đến 17 ngành đào tạo đóng cửa ở cả hệ đại học và cao đẳng do không tuyển được thí sinh. Trong đó có nhiều ngành sư phạm quan trọng như: Sư phạm Vật lý, Kỹ thuật công nghiệp, Khoa học máy tính, Tin học, Kỹ thuật nông nghiệp, Hóa học, Lịch sử; các ngành ngoài sư phạm như: Quản lý văn hóa, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, Khoa học thư viện... Đại diện các trường đều có chung lý giải, một trong những nguyên nhân của việc ngành xã hội và sư phạm khó tuyển là do nhu cầu xã hội dư thừa, các ngành này sau khi ra trường khó xin việc, không đủ sức hút như ngành kinh tế. Việc các ngành phải đóng cửa khiến trường gặp khó khăn trong vấn đề quản lý đào tạo, cân đối thu chi, bố trí giờ dạy cho giảng viên. Đồng thời việc chuyển tiếp nguồn sinh viên hàng năm trong việc đào tạo của mỗi chuyên ngành sẽ bị đứt đoạn. "Theo dõi trong mấy năm gần đây, chúng tôi đã thấy sức hút của các ngành xã hội và sư phạm giảm mạnh, nhưng cho đến năm nay thì điều này thể hiện rất rõ. Đây đang là một dự báo rất nguy hiểm cho nền giáo dục. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì chỉ khoảng 3 đến 4 năm nữa ngành giáo dục sẽ không kiếm đâu ra giáo viên đặc biệt là giáo viên giỏi để chuyển giao chương trình đổi mới trong giáo dục", Phó hiệu trưởng ĐH An Giang Hoàng Xuân Quảng nói. Để tháo gỡ khó khăn trên, ngày 21/10, trong hội nghị bàn về đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tổ chức tại Hà Nội, thành viên hiệp hội lần lượt đề xuất các giải pháp. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH DL Hải Phòng, đề nghị lấy kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học. Hiệu trưởng Nghị lý giải, đại học hay phổ thông đều nằm trong hệ thống giáo dục. Hiện nay học sinh thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ để xác nhận là đã tốt nghiệp mà hầu như không sử dụng kết quả đó, như vậy là lãng phí. Đồng tình với ý kiến trên, GS Hoàng Trọng Yêm, Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh, cho rằng phân tầng tuyển sinh là cần thiết theo hướng: trường tốp trên thì thi tuyển, còn trường tốp dưới quy định mức điểm phổ thông để tuyển tùy theo từng trường và từng ngành học.