Sau hơn hai tháng thanh kiểm tra, Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kết luận ĐH Lao động Xã hội vi phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh, đào tạo, tiếp nhận cán bộ giảng dạy, bổ nhiệm lãnh đạo cơ sở, trưởng khoa... Cụ thể, 73 thí sinh thi khác khối, thiếu điểm vẫn được tuyển vào học tại trường. Trong đó có 2 thí sinh dự thi khối B (trường không tuyển sinh khối B), 3 người dự thi khối C vẫn được tuyển vào học tại ngành Kế toán (ngành Kế toán không tuyển sinh khối C) và 68 em thiếu điểm vẫn được học tại các ngành, hệ đào tạo đại học, cao đẳng của trường. ĐH Lao động Xã hội cũng đã chuyển 51 sinh viên từ cơ sở Sơn Tây và cơ sở II ở TP HCM về Hà Nội, một sinh viên từ ĐH Thương mại sang nhưng không đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Công tác đào tạo của trường cũng có nhiều sai phạm. Đoàn thanh tra xác định 3 sinh viên không học lại, thi lại nhưng vẫn được dự thi tốt nghiệp. Dù chưa phát hiện có dấu hiệu nhận hối lộ nhưng các khoa đã có sai phạm trong việc sửa điểm, nâng điểm và quản lý điểm của học sinh, sinh viên. 4 sinh viên đã có quyết định buộc thôi học nhưng thực tế vẫn đang học tại cơ sở Sơn Tây. Tại đây, việc tuyển sinh học nghề cũng không đạt chỉ tiêu do Tổng cục Dạy nghề và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giao.
ĐH Lao động Xã hội còn vi phạm quy định tuyển chọn giáo viên của Bộ GD&ĐT khi nhận bà Nguyễn Thị Hồng Bình và 18 người tốt nghiệp đại học hạng trung bình, trung bình khá hoặc khá để bố trí làm giảng viên bậc đại học. Bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Anh Tấn (Phó trưởng phòng đào tạo) và bà Nguyễn Thị Huệ (Phó trưởng phòng kế toán), bằng thạc sĩ của ông Lê Văn Chính (Phó giám đốc cơ sở Sơn Tây) sử dụng khi chưa được công nhận hợp pháp. Việc bổ nhiệm Phó giám đốc cơ sở Sơn Tây, cán bộ trưởng, phó khoa của trường chưa đảm bảo quy trình. Những người đã được bổ nhiệm đều không có tên trong danh sách quy hoạch cán bộ của trường. Hiệu trưởng ĐH Lao động Xã hội ban hành quyết định thành lập Khoa sau đại học là không đúng thẩm quyền. Với những sai phạm liên quan đến tuyển sinh, Thanh tra Bộ Lao động đã giao hiệu trưởng xem xét, trình Bộ trưởng xử lý theo đúng quy định hiện hành về tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành. 19 người tốt nghiệp đại học hạng trung bình, trung bình khá hoặc khá đã được tuyển dụng về làm giảng viên, giảng viên kiêm chức bậc đại học nếu có nhu cầu làm công việc khác thì bố trí công việc đó, không tham gia giảng dạy bậc đại học trở lên. Nếu họ không có nhu cầu sử dụng thì chấm dứt quan hệ lao động. Đối với các trưởng, phó khoa đã được bổ nhiệm, Thanh tra Bộ đề xuất nên cho phép bổ sung hồ sơ còn thiếu (sơ yếu lý lịch, bản kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập). Thanh tra Bộ cũng yêu cầu lãnh đạo ĐH Lao động Xã hội tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong từng vấn đề sai phạm. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cơ sở Sơn Tây, Ban giám hiệu, Phòng Đào tạo, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra sai phạm tại trường phải kiểm điểm trách nhiệm. Trước đó, Bộ Lao động nhận được đơn thư tố cáo về những sai phạm nghiêm trọng tại ĐH Lao động Xã hội. Ngày 8/9, đoàn thanh tra Bộ được thành lập, thanh kiểm tra để xác minh vụ việc. Trao đổi với PV, nguyên Hiệu trưởng ĐH Lao động Xã hội Nguyễn Tiệp khẳng định, sai phạm của trường là không lớn.