Đó là trường hợp bệnh nhi Lê Quỳnh Trang (13 tuổi, ở Hải Dương) vào viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật được đưa đến cấp cứu tại BV gần nhà. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm và chọc dịch não tủy, bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc viêm não Nhật Bản và chuyển lên BV Nhi T.Ư. Do bệnh diễn biến nhanh và nặng nên dù đã điều trị thở máy, dùng thuốc chống phù não đến nay đã 10 ngày nhưng tình trạng bệnh nhi vẫn chưa ổn định.
Nằm cùng phòng Cấp cứu – Khoa Truyền nhiễm và có những triệu chứng ban đầu tương tự như bé Trang là bé Nguyễn Đức Anh (15 tháng, ở Bắc Ninh), cũng bị viêm não Nhật Bản khá nặng. May mắn hơn, sau 4 ngày thở máy, điều trị chống phù não, hiện tình trạng bệnh nhi đã tạm thời ổn định. Theo điều tra tiền sử, cả 2 bệnh nhi này đều chưa được tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản.Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25 - 35%).
Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp.
“Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1 - 2 ngày là trẻ tử vong” – bác sĩ Hải cho hay. Ngoài ra, còn có một điều đáng sợ đối với bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản là những di chứng thần kinh về sau. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.Mặc dù bệnh rất nguy hiểm nhưng có thể tiêm ngừa bằng vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Tiêm mũi 1 khi trẻ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần, mũi 3 là 1 năm sau khi tiêm mũi 2. Theo bác sĩ Hải, 3 mũi tiêm này có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5 - 7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Do đó, sau khi tiêm mũi 3, cần tiêm nhắc lại cho trẻ sau 3 - 4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, phòng tránh muỗi đốt. Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.