Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng nghìn người dân đội mưa dự khai hội Chèo tàu Tổng Gối

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 23/2 (tức 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trong không khí trang nghiêm, giữa tiết trời mưa Xuân, Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối Xuân Giáp Thìn 2024 (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) chính thức được khai mạc.

Dù trời mưa, song rất đông người dân địa phương và du khách đã có mặt từ sớm để trẩy hội. Theo truyền thống, phần lễ gồm các nghi thức: lễ rước, dâng hương, tế lễ. Phần hội gồm có màn bắn pháo hoa, trống hội, chương trình nghệ thuật chào mừng, múa rồng, lân, các trò chơi dân gian…

Đoàn rước lễ từ các thôn đến nơi khai hội.
Đoàn rước lễ từ các thôn đến nơi khai hội.

Trong những bộ lễ phục trang nghiêm, sặc sỡ sắc màu, đoàn rước từ các làng, UBND xã Tân Hội đến khu di tích Lăng Văn Sơn với các kiệu, lễ vật, cờ, lọng… được người dân chuẩn bị cầu kỳ, chỉn chu. Tiếng trống hội, tiếng chiêng, tiếng kéo nhị, những màn múa lân, múa rồng rộn rã khắp các tuyến đường. Dù trời mưa, song người dân vẫn đứng hai bên đường chờ đón các đoàn rước và hòa cùng không khí lễ hội tưng bừng.

Tổng Gối xưa, nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng gồm bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long từ lâu đã nổi tiếng với lễ hội hát chèo Tàu độc đáo. Theo tích xưa kể lại, tướng Văn Dĩ Thành là một người con thuộc dòng dõi quan lại triều Trần, sinh ra ở vùng Tổng Gối xưa. Năm 1407, nhà Hồ bị nhà Minh đánh bại, đất nước bị xâm chiếm. Không chịu làm nô lệ cho phong kiến phương Bắc, ông đã cùng với ông Lê Ngộ, ngày đêm luyện tập, chiêu mộ nghĩa quân.

Mỗi kiệu lễ được người dân địa phương chuẩn bị chu đáo, chỉn chu.
Mỗi kiệu lễ được người dân địa phương chuẩn bị chu đáo, chỉn chu.

Với tài cao, uy đức, chỉ sau một thời gian ngắn, tiếng tăm của tướng Văn Dĩ Thành đã nổi tiếng khắp vùng, nghĩa quân các nơi như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình đã kéo về rất đông tại gò Đông Đãn (tức xứ Đồng Dinh) tham gia chống lại giặc Minh.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Văn Dĩ Thành, quân giặc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Sau khi ông hy sinh trên đất Tổng Gối, để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người dân Tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo Chèo tàu. Vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, người dân ở Tổng Gối (nay là xã Tân Hội) lại tổ chức Lễ hội truyền thống hát Chèo tàu.

Biểu diễn múa rồng trong các đoàn rước lễ.
Biểu diễn múa rồng trong các đoàn rước lễ.

Chủ tịch UBND xã Tân Hội Đỗ Văn Mười cho biết, năm nay lễ hội tổ chức gắn với kỷ niệm 608 năm ngày hóa Đức Thành hoàng làng và Hội hát Chèo tàu Tổng Gối. Lễ hội nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Chèo tàu của địa phương; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của Nhân dân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Tân Hội Đỗ Văn Mười cho biết thêm, phát huy truyền thống vốn có từ lâu đời và tinh thần đoàn kết, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân xã Tân Hội đã đoàn kết đồng lòng, đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt của đời sống.

Rất đông người dân đứng hai bên đường đón các đoàn rước đi qua.
Rất đông người dân đứng hai bên đường đón các đoàn rước đi qua.

Cụ thể, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn kiểu mẫu, an ninh chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt, không còn hộ nghèo. Cùng với đó, công tác văn hoá, giáo dục, y tế có bước tiến triển rõ rệt, các dịch bệnh được phòng ngừa, công tác vệ sinh môi trường được làm tốt, môi trường “sáng - xanh - sạch – đẹp”.

Dù trời mưa song rất đông người dân và du khách đã về trẩy hội Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối Xuân Giáp Thìn 2024.
Dù trời mưa song rất đông người dân và du khách đã về trẩy hội Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối Xuân Giáp Thìn 2024.

Các phong trào đội văn nghệ quần chúng được duy trì ở bốn thôn. Trong đó câu lạc bộ Chèo tàu được phát triển rộng rãi trong Nhân dân và đào tạo nhiều lớp học hát nhằm đưa nghệ thuật hát Chèo tàu trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được trong những ngày lễ hội, đình đám.

Đoàn rước tàu đặc trưng của Tổng Gối.
Đoàn rước tàu đặc trưng của Tổng Gối.

Theo ông Đỗ Văn Mười, được sự quan tâm của Thành phố Hà Nội cũng như huyện Đan Phượng, những năm qua, các công trình phúc lợi trên địa bàn như trường học, đường xá giao thông, nhà văn hoá, vườn hoa – công viên được xây dựng khang trang, đẹp đẽ, hiện đại. Những nơi thờ tự - tín ngưỡng cũng được chú trọng đầu tư, tu bổ, trong đó có miếu Voi Phục được đầu tư 15 tỷ đồng, tạo nên cảnh quan trang nghiêm, làm cho quê hương Tân Hội ngày càng thêm khởi sắc.

“Để phát huy giá trị di tích và giữ gìn nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục quê hương, đề nghị các cấp có thẩm quyền tôn tạo và quy hoạch tổng thể khu di tích Lăng Văn Sơn và tiến tới lập hồ sơ khoa học để công nhận Lễ hội Chèo tàu là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đáp ứng lòng mong mỏi chính đáng của Nhân dân” – lãnh đạo xã Tân Hội bày tỏ.

Chủ tịch UBND xã Tân Hội Đỗ Văn Mười đánh trống khai hội.
Chủ tịch UBND xã Tân Hội Đỗ Văn Mười đánh trống khai hội.

Tại buổi khai mạc Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối, người dân và du khách đã có dịp được thưởng thức những màn hát Chèo tàu đặc sắc với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu – là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu.

Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ.

Biểu diễn hát Chèo tàu tại lễ khai hội.
Biểu diễn hát Chèo tàu tại lễ khai hội.

Điều đặc biệt là tất cả bài hát của nghệ thuật Chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ. Dù đã trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử nhưng lời ca, điệu hát vẫn giữ được vị thế của mình, vẫn làm say đắm lòng người.

Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày từ ngày 23 đến 24/2 (tức từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Khu di tích lịch sử Lăng Văn Sơn và miếu Voi Phục (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng).