Hàng nhãn riêng, kích thích sản xuất, tiêu thụ hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đặt hàng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng nhãn riêng (HNR), qua đó giảm giá thành sản phẩm là cách làm được nhiều siêu thị áp dụng. Việc làm này không chỉ giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm giá rẻ, chất lượng đảm bảo mà còn kích thích sản xuất hàng Việt.

Siêu thị đồng loạt sản xuất hàng nhãn riêng

Hiện, các hệ thống siêu thị như Co.opmart, LOTTE Mart, MM Mega Market, Winmart, GO!/Big C… đang phát triển HNR ở hầu hết các ngành hàng như lương thực, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc.

Với mục tiêu làm cầu nối mang hàng hóa “Tươi ngon thượng hạng!”, đặc biệt là hàng Việt đến với người tiêu dùng từ năm 2003,hệ thống siêu thị Co.op Mart đã phát triển sản phẩm HNR. Đến nay Co.op Mart đã có hơn 500 mặt hàng, hơn 3.000 mã hàng, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng.

Sản phẩm mỳ ăn liên nhãn hàng riêng của Hapro  thu hút người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: Hoài Nam
Sản phẩm mỳ ăn liên nhãn hàng riêng của Hapro  thu hút người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: Hoài Nam

Hưởng ứng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2015, Tập đoàn VinGroup đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo tiêu chuẩn của VietGAP với thương hiệu VinEco. Bên cạnh đó WinCommerce (đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị, cửa hàng Winmart/Winmart+/WIN) đã đẩy mạnh sản xuất HNR như gạo Ngọc Nương, WinMart Good (thực phẩm khô), WinMart Cook (thực phẩm chế biến), WinMart Home (đồ gia dụng), WinMart Care (chăm sóc cá nhân).

Tương tự, hệ thống siêu thị Hapro Mart cũng đưa ra thị trường các sản phẩm tiêu dùng như mỳ ăn liền, rượu, xúc xích nhãn hiệu Hapro và được người tiêu dùng đón nhận.

Không chỉ xuất hiện tại các siêu thị Việt Nam mà HNR còn được hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất. Thông tin từ hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản) cho thấy, tại các hệ thống siêu thị AEON Việt Nam đang giới thiệu tới khách hàng hơn 8.000 mặt hàng thuộc 2 nhãn hàng riêng của AEON, bao gồm TOPVALU và HÓME CÓORDY.

Tương tự, hệ thống siêu thị LOTTE (Hàn Quốc) đang cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm HNR của LOTTE Mart mang thương hiệu Choice L với các nhóm hàng như đồ gia dụng, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa, đồ dùng nhà bếp, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, hàng điện máy.

Sản phẩm nước rửa bát nhãn hàng riêng của siêu thị Big C Thăng Long thu hút người tiêu dùng tìm mua. Ảnh: Hoài Nam
Sản phẩm nước rửa bát nhãn hàng riêng của siêu thị Big C Thăng Long thu hút người tiêu dùng tìm mua. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, sau khi các siêu thị đưa ra HNR, mặt hàng này đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, bởi giá bán thấp hơn hàng chính hãng từ 15 - 30% mà chất lượng tương đương. Bà Nguyễn Thị Diệu Ái ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) chia sẻ, khi mua sắm các vật dụng, đồ dùng trong gia đình, thương ưu tiên lựa chọn các sản phẩm HNR bởi chất lượng khá tốt, giá lại thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, đặc biệt khi có chương trình khuyến mãi người mua còn được “hời” rất nhiều.

Lý giải nguyên nhân khiến HNR có giá thấp nhưng chất lượng không giảm, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, sản phầm HNR có giá thấp là do siêu thị có lợi thế kênh phân phối nên không phải tốn chi phí quảng cáo như doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, nhà bán lẻ nắm được thị hiếu khách hàng, xu hướng tiêu dùng, mức chi tiêu… nên sản xuất mặt hàng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Kích thích doanh nghiệp sản xuất

Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen (Hoa Kỳ) cho thấy, tại các thị trường phát triển, thị phần của sản phẩm HNR đang chiếm khoảng 20%, đặc biệt tại châu Âu lên đến 30%. Trong khi ở Việt Nam, tỉ lệ này chỉ mới hơn 3% trên tổng số các mặt hàng kinh doanh tại hệ thống bán lẻ. Kết quả này cho thấy việc các siêu thị đẩy mạnh kinh doanh HNR sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng Việt.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Thành (Hà Nội) Nguyễn Mai Ngọc, một trong những doanh nghiệp đang gia công HNR cho hệ thống siêu thị cho biết, cái được lớn nhất của việc gia công HNR là doanh nghiệp tối ưu hóa được công suất máy móc, thiết bị, không phải lo khâu tiêu thụ. Có thể nói sản xuất HNR đã tạo ra động lực kích thích doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Người tiêu dùng mua hàng nhãn riêng của Hapro tại hệ thống siêu thị Hapro Mart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng nhãn riêng của Hapro tại hệ thống siêu thị Hapro Mart. Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ HNR thông qua hệ thống siêu thị Hapro Mart, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Đỗ Tuệ Tâm, chia sẻ, việc phát triển HNR không phải là hành động “thôn tính” đơn vị sản xuất mà là hoạt động tương hỗ nhau, bổ sung lựa chọn cho người tiêu dùng.

"Hiện trong hệ thống siêu thị Hapro đang bày bán sản phẩm thịt nguội, mỳ ăn liền, rượu mang nhãn hiệu Hapro do các doanh nghiệp thành viên Hapro sản xuất. Hoạt động này giúp các đơn vị phát huy hết năng lực sản xuất, không phải cạnh tranh, tăng doanh thu, lợi nhuận do không phải mất chiết khấu cho nhà cung ứng"-bà Tâm phân tích.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nêu rõ, việc sản xuất HNR  không chỉ người tiêu dùng được hưởng nhiều ưu đãi khi sử dụng  mà các nhãn hàng này còn giúp doanh nghiệp sản xuất có thêm đơn hàng. “Chưa kể, ở khía cạnh xây dựng thương hiệu, thì HNR còn là phép thử và cũng là thước đo để nhà sản xuất biết được thương hiệu của doanh nghiệp đã thực sự là thương hiệu khó thay thế hay chưa. Do đó, việc phát triển các HNR giúp mang lại hiệu quả kép”-bà Nga nêu rõ.

Hàng nhãn riêng của các siêu thị thu hút ngưới tiêu dùng tìm mua. Ảnh: Hoài Nam
Hàng nhãn riêng của các siêu thị thu hút ngưới tiêu dùng tìm mua. Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với phân tích này, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nhận định, phần lớn HNR tập trung ở nhóm hàng phổ thông, phân khúc trung bình hoặc thấp nên các mặt hàng này chủ yếu cạnh tranh với các dòng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ.

Việc sản xuất HNR không những không đe dọa doanh nghiệp sản xuất mà ngược lại là “chất xúc tác” buộc doanh nghiệp phải liên tục đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm để hấp dẫn người tiêu dùng. Cao hơn nữa là phải tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt để tạo lợi thế, đồng thời cần đẩy mạnh đầu tư cho việc tiếp thị, mở rộng kênh phân phối, bán hàng.

Như vậy, HNR còn là “phép thử” để doanh nghiệp đánh giá sản phẩm của mình có còn được người tiêu dùng chấp nhận sử dụng nữa hay không.