Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử xuyên biên giới: cánh cửa đưa hàng Việt ra thế giới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới do Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức ngày 22/5.

Tăng trưởng qua kết nối toàn cầu

Thông tin từ Amazon Việt Nam cho thấy, thị trường thương mại điện tử toàn cầu sẽ đạt mức doanh thu 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Trong 10 năm qua, doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng 20%/năm, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay, doanh nghiệp Việt Nam đã tự tin chinh phục thị trường toàn cầu nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới. “Tại miền Bắc, với lợi thế vị trí địa lý chiến lược dễ dàng tiếp cận các nguồn nguyên vật liệu trong và ngoài nước để phục vụ quá trình sản xuất.

Doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử Amzon trao đổi cách thức đưa hàng Việt ra thế giới thông qua thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử Amzon trao đổi cách thức đưa hàng Việt ra thế giới thông qua thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng logistic đã và đang được chú trọng phát triển, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể phát huy để đa dạng hóa các mặt hàng để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, đồ gia dụng...” - bà Huyền chia sẻ

Thông tin về tình hình 5 năm triển khai xuất khẩu trực tuyến qua Amazon, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gajae Seong cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam luôn tạo kỳ tích xuất khẩu xuyên biên giới khi chỉ trong vòng 5 năm (từ 2019 - 2023), số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên Amazon đã tăng hơn 300%.

Cùng đó, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam đạt doanh thu 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gần 10 lần và số lượng đối tác bán hàng Việt Nam sử dụng hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon tăng hơn 300%...

Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam

"Không chỉ xuất khẩu sản phẩm các nhà xuất khẩu Việt Nam còn đầu tư phát triển thương hiệu, giúp họ có tăng trưởng dài hạn. Việt Nam đang là trung tâm sản xuất, một mắt xích cung ứng mới nổi của thương mại điện tử toàn cầu với những thế mạnh về năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng- ông Gajae Seong khẳng định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm chia sẻ, dệt may cũng là 1 trong 5 ngành có kết quả thương mại điện tử xuyên biên giới khá tốt. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn ngành dệt may xuất khẩu được 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông qua Amazon, sản phẩm dệt may đã đến với các khách hàng trực tiếp và khẳng định vị trí của sản phẩm dệt may Việt Nam bằng giá cả, cạnh tranh, chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh. Có thể nói, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra bệ phóng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, quy mô bắt đầu kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu thành công.

Vẫn còn những khó khăn cần khắc phục

Mặc dù thương mại điện tử Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh nhưng trong quá trình phát triển đó cũng gặp nhiều khó khăn. Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam Trịnh Khắc Toàn cho hay, hiện nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các đại biểu trao đổi cách thức đưa hàng Việt ra thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon. Ảnh: Hoài Nam
Các đại biểu trao đổi cách thức đưa hàng Việt ra thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon. Ảnh: Hoài Nam

Đồng thời doanh nghiệp thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài, các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế...

Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài chia sẻ, trong quá trình tận dụng thương mại điện tử đưa hàng Việt ra thế giới, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam còn bộc lộ nhiều yếu kém. Cụ thể là doanh nghiệp tham gia chế biến thương mại gỗ chủ yếu là gia công theo những mẫu mã, đơn hàng đến từ những nhà nhập khẩu bên ngoài, do vậy giá trị gia tăng còn hạn chế…

“Hiệp hội mong muốn Amazon giúp doanh nghiệp thấy được những điểm mạnh, điểm yếu, công đoạn cần phải thay đổi từ đó đạt nhiều thành công hơn qua thương mại điện tử”- ông Hoài đề nghị.

Để hóa giải những bất cập này, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số) Nguyễn Văn Thành cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các tỉnh, thành đào tạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thương mại điện tử.

Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam

Đồng thời hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi số, quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên các nền tảng số. Thời gian tới, đơn vị phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức các khóa học đào tạo qua đó giúp doanh nghiệp có hành trang tốt nhất khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng Amazon, từ ở đó có thể tiếp cận các nhà nhập khẩu để tăng được kim ngạch xuất khẩu.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng Việt ra thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối Đối tác bán hàng quốc tế Eric Broussard thông tin, thời gian tới Amazon sẽ đẩy mạnh hợp tác với các  đối tác chiến lược đề trang bị kiến thức và cung cấp đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Đồng thời thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, bao gồm kết nối các nhà bán hàng với các nhà sản xuất trong ngành hàng trên toàn quốc để tạo và mở rộng danh mục sản phẩm sản xuất từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Amazon Global Selling Việt Nam cũng giúp nâng cao chất lượng và thành công của nhà bán hàng Việt thông qua tăng cường đầu tư và đào tạo nhà bán hàng; mở rộng các hỗ trợ xuyên suốt các giai đoạn xuất khẩu trực tuyến của nhà bán hàng. Các nỗ lực này được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần tăng tốc xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy đổi mới kinh doanh và chuyển đổi số tại Việt Nam