Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng quán vỉa hè đua nhau thổi giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thường xuyên đưa con ra quảng trường Mỹ Đình vào buổi tối, chị Thủy, nhà ở đường Lê Đức Thọ cũng thừa nhận, hàng quán bán rong tại đây có giá đắt gấp nhiều lần so với những nơi khác. “Bình thường, tôi uống trà đá gần cơ quan, chỉ 2.000 đồng một cốc mà có hương sen hẳn hoi.

Khi khách đông, các quán trà đá, trà chanh bán kèm củ đậu, hướng dương ở khu vực Mỹ Đình, Ngã Tư Sở, đại lộ Thăng Long... đua nhau thổi giá để kiếm lời.

Đưa bạn gái uống trà đá ở gần lối rẽ xuống đại lộ Thăng Long, (Hà Nội), Quân -sinh viên Đại học Thương mại Hà Nội không khỏi ngạc nhiên khi cùng một loại nước uống nhưng mỗi hàng một giá khác nhau. Chẳng hạn, với trà đá, giá rẻ nhất là 2.000 đồng, nhưng đắt thì lên tới 5.000 đồng mỗi cốc.

Khu vực khách bị “chặt chém” nhiều nhất thì mỗi cốc trà, nhân trần đá có giá 4.000 - 5.000 đồng, một đĩa hướng dương, quả cóc, củ đậu, dưa chuột… lên tới 20.000 đồng. Bia Hà Nội cũng 20.000 đồng một chai, còn mực nướng bán theo con, giá dao động khoảng trên dưới 100.000 đồng một con.

Trong khi đó, ở những khu vực khác như khu đồi, bồn cỏ đối diện làng bún Phú Đô hoặc phía gần về đường Hồ Tùng Mậu hơn, giá bán các mặt hàng vẫn ổn định: Trà đá khoảng 2.000 đồng một cốc, hướng dương, củ đậu 10.000 đồng một đĩa, những hàng hóa còn lại cũng rẻ hơn …

Thường xuyên đưa con ra quảng trường Mỹ Đình vào buổi tối, chị Thủy, nhà ở đường Lê Đức Thọ cũng thừa nhận, hàng quán bán rong tại đây có giá đắt gấp nhiều lần so với những nơi khác. “Bình thường, tôi uống trà đá gần cơ quan, chỉ 2.000 đồng một cốc mà có hương sen hẳn hoi. Nhưng ra đây toàn bị ‘chém’ 4.000 đồng, có hôm 5.000 đồng mà là loại chè vụn, đắng chát”, chị Thủy kể. Theo khách hàng này, ngoài trà đá, nhiều loại hàng hóa khác cũng bị đội giá lên cao có khi gấp cả chục lần so với các nơi khác vào những lúc đông khách.

Bên cạnh một bộ phận không quan tâm, đa phần khách hàng tới đây đều cảm thấy khó chịu với mức giá “trên trời”. Cô Ngọc, bán hàng ốc luộc, trà đá, bát bảo tại thị trấn Cầu Diễn cho biết, sáng nào đi lấy hàng cũng gặp mấy “đồng nghiệp” bán hàng rong ở sân Mỹ Đình. “Họ lấy ít lắm, chỉ vài gói hướng dương, ngô cay, mấy quả xoài xanh, ổi, cóc, củ đậu, vài bao thuốc… Nhưng hỏi ra mới biết, lãi có khi bằng cả ngày mình trầy trật bán cả nước nôi, ốc, hoa quả”, cô Ngọc kể.

Giá mỗi kg xoài xanh khoảng 3-4 quả mua tại chợ khoảng 10.000- 15.000 đồng, ổi 20.000 - 25.000 đồng, củ đậu 10.000 đồng, nhưng về bán cho khách, có thể thu lãi gấp gần chục lần. “Hai quả xoài xanh gọt được 3 đĩa giá 60.000 đồng. Bán cả 4 quả thì được khoảng hơn 100.000 đồng, trừ gốc cũng lãi được 70.000- 80.000 đồng, mua một mà lãi sáu, bảy”, cô Ngọc tính.

Còn với các hàng quán trong ngõ nhỏ, xoài bán theo quả, giá 8.000- 10.000 đồng, có lãi, cũng chỉ lãi gấp 2-3 lần là cùng, nhưng không phải ngày nào cũng bán được.

Khu vực gần Ngã Tư Sở, các quán trà đá vỉa hè mọc lên nhan nhản và giá bán cũng mỗi nơi một lúc. Một cốc trà chanh dao động từ 7.000 đồng đến khoảng 8.000 đồng. Trà đá giá chỗ 2.000 đồng, chỗ 3.000 đồng mỗi cốc, một đĩa hướng dương cũng lên tới 10.000-15.000 đồng. Thanh Hương, một sinh viên thường xuyên uống trà chanh ở khu vực này cho hay, mỗi tối, có quán đón hàng trăm khách, và mỗi khi gặp đội công an phường đi "dẹp loạn", khách hàng lại nháo nhác.

"Xe máy được để ngay trên vỉa hè và tất cả mọi khách hàng đều đổ nhào ra chỗ gửi xe. Để an tâm, chủ quán thường thu tiền trước nên những khách hàng nào lỡ trả tiền mà chưa được gọi trà thì cũng đành phải chấp nhận", Hương kể lại.

Những người bán hàng lại có cách giải thích riêng về mức giá cao so với mặt bằng chung. Chị Thắm, nhà ở làng Phú Mỹ, bán nước tại quảng trường này cho biết, trước kia, hàng bán ở đây cũng chỉ có một mức giá. Song từ ngày khu vực bồn cỏ trước cửa sân vận động Mỹ Đình đông khách hơn, những người bán tại đây bắt đầu nâng giá. Theo chị, cứ tính đổ xô cũng thấy những người bán hàng này lãi thật, nhưng mùa hè mới đắt khách, mùa đông vắng hơn. “Hơn nữa, chúng tôi phải ngồi cả tối mới được, mà còn thêm các khoản phí nộp vệ sinh, an ninh… nên cũng không được bao nhiêu”, chị nói.

Trao đổi với PV, đại diện ban quản lý chợ Ngã Tư Sở cho hay, họ cũng ghi nhận hiện tượng các quán tự phát mọc lên vào buổi tối. Các quán xá này chủ yếu do người dân tận dụng nhà gần vỉa hè hoặc học sinh sinh viên mở ra và ban quản lý chợ rất khó kiểm soát. Bởi thông thường, các quán tự phát mở lúc tối muộn khi các chợ đã chợ tan vào tầm 18h30 hoặc 19h.

Vị đại diện này thừa nhận, các cửa hàng quán này mở ra tự phát để ngay xe trên vỉa hè và tụ tập khá đông nên ảnh hưởng đến an ninh vì gây mất trật tự chung. Hiện tượng loạn giá thậm chí "chặt chém" ở các cửa hàng rong, vỉa hè trở nên phổ biến, song việc trả giá là thuận mua vừa bán, ban quản lý chợ rất khó can thiệp. "Chỉ khi nào có hiện tượng ép khách hàng mua thì ban quản lý chợ mới có thể vào cuộc", vị đại diện này cho hay.