Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng trăm cây xanh bị chết khô

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại lộ Thăng Long là tuyến đường cao tốc nối trung tâm Hà Nội với điểm đầu của đường Hồ Chí Minh. Từ khi đưa vào sử dụng (năm 2010), Đại lộ Thăng Long đã trở thành tuyến đường giao thông huyết mạch của Thủ đô nối lên các tỉnh Tây Bắc.

Khi hoàn thành, dọc hai bên tuyến đã được trồng rất nhiều cây xanh, tuy nhiên thời gian gần đây, hàng loạt cây xanh trên tuyến đã bị chết khô.

Hàng trăm cây xanh bị chết khô - Ảnh 1
Một dãy dài cây xanh bị chết khô trên Đại lộ Thăng Long.Ảnh: Vũ Trình
Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đường có số cây xanh chết nhiều nhất thuộc khu vực nút giao thông Hoàng Xá, địa phận xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai); khu vực hầm chui Song Phương, hướng đi Khu đô thị mới Nam An Khánh (huyện Hoài Đức)… Tại 2 khu vực trên, hầu hết các cây đều có đường kính gốc khoảng 10cm nhưng đã bị chết khô, nhiều cây đã tróc vỏ, trơ thân.  Theo một số người dân sinh sống gần Đại lộ Thăng Long, khi mới trồng hầu hết cây đều có biểu hiện sống tốt, tuy nhiên trong vài tháng trở lại đây đã xuất hiện tình trạng cây chết hàng loạt. Nguyên nhân được người dân cho biết, có thể do một số người dân sống 2 bên đường thường xuyên xé rào đưa trâu bò vào chăn thả. Thậm chí, nhiều người còn đốt những bãi cỏ trong khu vực này để lấy mặt bằng chăn thả gia súc, khiến những cây xanh trồng gần đó "cảm" nóng mà chết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Loan, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết: Sau khi nhận được thông tin về việc hàng loạt cây xanh trên Đại lộ Thăng Long chết khô, Ban QLDA Thăng Long đã cử nhân viên xuống hiện trường phối hợp với Ban QLDA đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng - Hòa Lạc kiểm tra để có biện pháp xử lý. Khi được hỏi nguyên nhân cụ thể vì sao cây xanh chết hàng loạt, ông Loan đã hướng dẫn phóng viên sang gặp ông Lê Minh Huyền, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng - Hòa Lạc, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý và thực hiện đầu tư, giám sát, điều hành thi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng - Hòa Lạc. Tuy nhiên, trong ngày 14/3, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Lê Minh Huyền nhưng người có trách nhiệm cao nhất trong vụ việc trên vẫn im lặng. Sự im lặng của ông Huyền khiến nguyên nhân dẫn đến "cái chết" của hàng trăm cây xanh trên Đại lộ Thăng Long càng trở nên khó hiểu?!

Trao đổi với một công nhân chuyên chăm sóc cây xanh của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội về nguyên nhân khiến cây chết hàng loạt, được biết, có thể do kỹ thuật trồng cây và chăm sóc không tốt, cộng với việc thời tiết không thuận lợi… Ngoài ra, việc các thảm cỏ bị đốt cháy trong khi cây vừa mới được trồng cũng là tác nhân khiến cây chết hàng loạt.

Bên cạnh tác dụng chống chói cho các phương tiện ngược chiều di chuyển trong đêm, chống bụi, hệ thống cây xanh được trồng trên Đại lộ Thăng Long còn tạo nên cảnh quan, diện mạo cho giao thông Thủ đô xanh, hiện đại.   Vì thế, việc cây xanh mới trồng đã bị chết hàng loạt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của các phương tiện lưu thông trên tuyến đường rất cần được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.