Nhiều tháng qua, vợ chồng bà Nguyễn Thị Chức (sinh năm 1983) và ông Phạm Văn Chín (sinh năm 1982), cùng ngụ thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, khốn khổ vì phải tìm cách đòi lại số tiền 100 triệu đồng đã chuyển cho bà T.T.Th. (một người quen trong xã) để được đi lao động ở Hàn Quốc.
“Hồi tháng 3/2023, bà T.T.G. là chị gái bà Th. loan tin trên mạng xã hội facebook cần người ở xã Nghĩa An để đưa đi lao động ở bên Hàn Quốc ngắn hạn trong thời gian 6 tháng. Ai có nhu cầu đi thì đưa tiền cho bà Th., mỗi người đóng lần đầu 35 triệu đồng, lần sau thêm 15 triệu đồng. 2 vợ chồng tôi nộp tổng cộng 100 triệu đồng cho bà Th. với hy vọng qua bên đó làm việc sẽ có mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, nhưng mãi không thấy đâu. Đòi thì họ không trả”- bà Chức bức xúc.
Theo bà Chức, sau khi nộp tiền lần đầu, phía bà Th. chuyển cho vợ chồng bà mẫu giấy ghi tiếng nước ngoài và thúc giục đóng tiếp cho đủ 50 triệu đồng/người để có visa và làm giấy khám sức khỏe, mua vé máy bay.
2 vợ chồng tin tưởng gom góp chuyển đủ tiền, thậm chí còn chuẩn bị cả một số lương thực như cá khô, tôm khô để cuối tháng 5, chậm nhất là đầu tháng 6/2023 mang sang Hàn Quốc sử dụng.
“Nghề biển khó khăn, nợ nần chồng chất nên khi nghe thông tin đi xuất khẩu như thế chúng tôi rất mừng, xem như cái phao cứu sinh. Có ai ngờ bị lừa như vậy. Bây giờ ngôi nhà đang ở cũng phải bán trả nợ, chồng tôi đi làm thuê để mưu sinh. Nhiều người còn thảm hơn nhà tôi, họ vay tiền lãi suất cao, gồng nợ khóc lên khóc xuống”- bà Chức nói thêm.
Cùng chung hoàn cảnh, vợ chồng bà Nguyễn Thị Sau (1984) và ông Trần Bôn (sinh năm 1976, thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An) đã nộp 95 triệu đồng với hy vọng sang Hàn Quốc kiếm thêm thu nhập.
“Hồi đó còn thiếu 5 triệu đồng nhưng nó (bà Th.-PV) bảo sẽ cho mượn để được đi. Sau này quá thời gian mà không thấy đâu nên tôi đi đòi, vật vã mãi nó trả 25 triệu đồng, giờ còn 70 triệu đồng không lấy được”- bà Sau kể lại.
Các nạn nhân cũng chia sẻ, họ được hứa đưa sang Hàn Quốc lao động thời vụ ngắn hạn và phải làm visa E8-2 (visa thời vụ ngắn hạn diện nông nghiệp tại Hàn Quốc). Để làm visa này, yêu cầu người có quốc tịch Hàn Quốc đứng ra bảo lãnh. Tin tưởng vì là chỗ quen, lại tìm hiểu và biết bà G. đang ở Hàn Quốc nên nhiều người phải vay mượn khắp nơi, bán cả nữ trang để gom tiền cho đủ.
Trong suốt quá trình trên, những người tố cáo cho rằng bà Th. luôn giục giã, hối thúc, người lớn tuổi hay thanh niên đều được hứa hẹn và yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để “chốt sổ”.
Quá thời hạn đã hứa, họ yêu cầu bà Th. làm cam kết trả nợ nhưng sau đó vẫn không lấy lại được tiền. Hiện giờ, họ cũng chẳng biết bà Th. đi đâu vì không thấy có mặt ở địa phương.
Theo tìm hiểu, có hơn 100 nạn nhân ở xã Nghĩa An “sập bẫy” lao động ngắn hạn ở Hàn Quốc với số tiền khoảng 4,5 tỷ đồng (trung bình mỗi người đã gửi cho bà T.T.Th. từ 15- 50 triệu đồng), tập trung nhiều nhất ở 3 thôn gồm: Tân Thạnh, Tân An, Tân Mỹ. Sau khi xảy ra sự việc, nhiều người đã làm đơn tố cáo gửi chính quyền và công an tỉnh, nhưng đến nay đã hơn nửa năm vẫn chưa có kết quả.
Liên quan đến vấn đề, trên Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công xác nhận: có sự việc người dân làm đơn tố cáo bị lừa tiền để đi sang Hàn Quốc lao động ngắn hạn. Thời điểm chính quyền tiếp nhận thông tin vào khoảng tháng 8/2023, nhưng do số người bị hại và số tiền quá lớn nên vụ việc được chuyển lên cơ quan điều tra công an tỉnh để thụ lý, làm rõ.
“Chính quyền xã đã tuyên truyền cho người dân rất nhiều lần về vấn đề xuất khẩu lao động. Thậm chí khi bà con làm thủ tục, chính bản thân tôi đã gặp gỡ và cảnh báo, nếu đi xuất khẩu lao động qua các kênh không có sự giám sát của cơ quan nhà nước thì rất dễ bị lừa đảo. Tuy nhiên, chẳng rõ từ đâu mà bà con tin tưởng nguồn tin xuất khẩu lao động đó và không nghe theo lời khuyên. Sau này việc chuyển tiền cho cá nhân và không lấy lại được tiền bị vỡ lở, bà con làm đơn gửi xuống xã”- bà Phạm Thị Công bày tỏ.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cũng cho hay, gần đây nhất, địa phương tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết, lấy lại tiền cho người dân.