Trục lợi trên đất công
Thời gian qua, hàng ngàn mét vuông đất hai bên hành lang an toàn đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, đoạn qua địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm bị nhiều cá nhân, DN chiếm dụng làm bãi đỗ xe, vườn cây cảnh, xây dựng nhà tạm, lều lán. Đáng nói, nhiều vị trí lại do chính đơn vị quản lý - Công ty CP đường sắt Hà Thái “tạo điều kiện” cho DN lấn chiếm.
Hàng ngàn mét vuông đất hai bên hành lang an toàn đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, đoạn qua địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm bị nhiều cá nhân, DN chiếm dụng. |
Cụ thể, đoạn từ khu vực trụ N38 - N48; từ trụ N52 - N63 gầm cầu đường sắt đang tồn tại nhiều công trình nhà tạm, lều lán. Còn khu vực từ trụ N52 - N56 theo ghi nhận có tập kết máy móc, vật liệu, nhà tạm khung sắt mái tôn, container…
Theo tài liệu do UBND phường Xuân Đỉnh cung cấp, các vị trí lấn chiếm này hình thành rải rác từ năm 2012 tới nay. Trong đó, khu vực từ trụ N48 - N63 đã được Công ty Hà Thái (khi đó có tên gọi: Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Hà Thái) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, cho phép Công ty TNHH thương mại & dịch vụ du lịch Phú Dũng quản lý, khai thác kinh doanh điểm đỗ xe tĩnh, trưng bày cây cảnh.
Từ ngày 1/1/2018, Công ty Phú Dũng lại đem phần diện tích khoảng 4.000m2 từ trụ N52 - N56 cho Công ty CP xây dựng Hùng Vĩ thuê. Cũng trong khu vực này, hiện còn có một số nhà tôn, bãi vật liệu của Công ty TNHH phát triển xây dựng Việt Nam Kiến Hưng chưa được Chính quyền sở tại xác minh nguồn gốc việc sử dụng đất.
Từ trụ N56 - N63, trên hành lang đường sắt tập kết hàng loạt máy móc, nhà tạm khung sắt của Công ty CP xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội. Đơn vị này cũng được Công ty Hà Thái ký hợp đồng hợp tác kinh doanh và cho sử dụng đất hành lang an toàn đường sắt từ tháng 6/2018, trong khi chưa được Bộ GTVT cấp phép.
Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh Trần Trung Tuyển cho biết, các vi phạm nêu trên đều đã được lập biên bản, yêu cầu khắc phục nhưng đến nay một số đơn vị vẫn chây ì, tiếp tục chiếm dụng hành lang an toàn đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển.
Khu vực lấn chiếm hành lang đường sắt được quây tôn sử dụng làm bãi đỗ xe. |
Mạnh ai nấy chiếm
Tại khu vực từ Km 11+950 đến Km 12+150, giáp tường rào phía sau của Công ty CP Xe điện Hà Nội, khoảng 1.000m2 đất hành lang an toàn đường sắt đã được đơn vị này “hợp khối” xong xuôi từ giữa năm 2018. Khu vực bị chiếm kéo dài khoảng 200m dọc theo đường sắt.
Phó Giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội Nguyễn Quang Huy cho biết, do trước đây có hiện tượng người dân đốt rác gây cháy lan, và trộm cắp vật tư nên Công ty đã có văn bản kiến nghị UBND phường Xuân Đỉnh cùng Công ty CP Đường sắt Hà Thái giao đất để chống lấn chiếm, bảo vệ hành lang đường sắt, chống trộm cắp. Công ty Hà Thái cũng đồng tình để Công ty Xe điện dựng rào lưới B40, cọc tre, khoanh vùng bảo vệ.
Thế nhưng Công ty CP Xe điện Hà Nội đã tổ chức san nền, dựng rào tôn, phủ lưới làm nơi trông giữ phương tiện của cán bộ, công nhân viên. Công ty Hà Thái đã nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị tháo dỡ công trình của Công ty CP Xe điện Hà Nội, nhưng hơn 1 năm qua, không cơ quan nào xử lý vi phạm.
Vị lãnh đạo Công ty CP Xe điện Hà Nội viện lý do dựng hàng rào để chống trộm cắp. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao không tự xây tường bao trên phạm vi đất của mình cao lên để chống trộm mà lại phải chiếm cả hàng lang an toàn đường sắt. Ông Nguyễn Quang Huy không trả lời.
Tình trạng ''xẻ thịt'' hành lang đường sắt để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau đã diễn ra nhiều tháng nay. |
Ngoài ra, từ Km 11+700 - Km11+750, tồn tại một số khối nhà mái tôn khung sắt lớn rộng hàng ngàn mét vuông do Công ty CP đầu tư thương mại An Đô và Công ty TNHH nhà hàng Vũ Bảo dựng lên. Các đơn vị này ban đầu cũng được Công ty Hà Thái cho thuê đất vào mục đích kinh doanh.
Không chỉ xây dựng trái phép các công trình, cho thuê phần đất được TP tạm giao phục vụ bảo vệ, bảo trì đường sắt, Công ty Hà Thái còn bất lực nhìn các đối tác “thuê chui” đất do mình quản lý ăn dần hành lang an toàn đường sắt.
Liên quan đến vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã đề nghị Công ty Hà Thái trao đổi, làm rõ thêm thông tin nhưng không được phản hồi. Mặt khác, cũng cần xem xét trách nhiệm của Chính quyền phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, cơ quan quản lý ngành dọc thuộc Bộ GTVT khi để DN đua nhau “xâu xé” hành lang an toàn đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển.