Thực tế cho thấy, sai lầm của nhiều phụ huynh là chỉ quan tâm đến việc bắt con phải học trước chữ, kiến thức, mà quên mất điều quan trọng hơn là phải chuẩn bị sự sẵn sàng cho trẻ ở nhiều yếu tố cần thiết khác như sức khỏe, ngôn ngữ, cảm xúc, tâm lý… Do đó, để trẻ tự tin khi bước vào môi trường học tập mới, người lớn cần trang bị cho con cả những kiến thức và kỹ năng phù hợp với lứa tuổi. Điều này rất quan trọng để trẻ hào hứng và mạnh dạn khi bước vào trường tiểu học, chứ không phải chỉ là việc học chữ trước.
Một người mẹ trẻ chia sẻ, không quá nóng vội bằng mọi giá cho con đi học tiền lớp 1, thay vào đó chị tập cho con có thói quen tự lập như biết tự làm vệ sinh cá nhân, tự phục vụ bản thân ở những việc đơn giản. Ở nhà, chị dành cho con một góc học tập để cháu có ý thức sắp xếp sách truyện cho gọn gàng. Anh chị cũng thường xuyên mua truyện với nội dung giáo dục gần gũi với trường tiểu học để đọc cho cháu mỗi tối.
Như các chuyên gia giáo dục đã chia sẻ, khi trẻ bước vào lớp 1 thường có tâm lý lo âu vì phải sang học ở môi trường mới. Các em sẽ thấy lạ lẫm bởi ở tiểu học hoạt động học là chính khác với ở trường mầm non chủ yếu là vui chơi. Trẻ cũng phải làm quen với việc mình không được chăm sóc một cách đặc biệt nữa mà phải tự lập trong mọi việc. Trẻ phải đến trường đúng giờ, tuân thủ kỷ luật của trường lớp, học cách hòa đồng hoặc đối mặt với một đám đông là các bạn cùng lớp, cùng trường… Vì vậy, trước khi vào lớp 1 trẻ cần được tham gia nhiều các hoạt động đòi hỏi sự vận động nhanh nhẹn, các trò chơi khám phá đòi hỏi khả năng suy nghĩ, sáng tạo và tính kỷ luật. Đồng thời, cần trang bị cho trẻ những kỹ năng tự lập để trẻ tự tin và nhanh chóng hòa nhập với việc học tập ở trường tiểu học.
Phụ huynh nên chuẩn bị tâm lý cho trẻ như giới thiệu về trường học mới mà trẻ sẽ học, trao đổi những điều vui vẻ, thú vị khi trẻ vào lớp 1. Khi trẻ vào học, nhất thiết, phụ huynh cũng nên quan tâm đến tâm trạng của trẻ, hỏi han tâm sự với trẻ về bạn bè, trường lớp. Nếu trẻ bày tỏ trẻ gặp khó khăn, phụ huynh nên cùng trao đổi với nhà trường để cùng giúp trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh đón trẻ ở trường về không hỏi han trẻ như: Cô giáo như thế nào, hôm nay con làm quen với bạn nào, buổi trưa bán trú ở trường con ăn cơm có ngon không... mà chỉ chăm chăm muốn biết “bài học ở trường của con hôm nay được mấy điểm…”. Áp lực thành tích như vậy là quá sức với trẻ nhỏ.
Thực tế cho thấy, chuẩn bị tốt về các kỹ năng, tâm lý sẽ giúp trẻ tin tưởng vào khả năng của mình để khi rời bố mẹ mà không bị căng thẳng... Cũng như trẻ biết cảm nhận và thể hiện cảm xúc, có mối quan hệ tích cực với bạn bè trong lớp. Những trẻ được củng cố sự tự tin sẽ học tốt hơn. Sự tự tin đó sẽ được bồi đắp khi phụ huynh có những động viên, khuyến khích đúng và kịp thời khi trẻ có những biểu hiện tiến bộ, chứ không phải khi trẻ hoàn thành đúng ý nguyện của bố mẹ, khi đó bố mẹ mới tỏ thái độ vừa lòng.