Người già làm việc của người già
Du khách đi dạo hồ Hoàn Kiếm nhiều năm nay đã quen với hình ảnh một bà lão dắt chiếc xe đạp cũ kỹ chở mấy bao tải rác về nơi tập kết, đó là bà Phương, một nữ tiến sĩ từng công tác tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện đã nghỉ hưu, sinh sống trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Cứ sáng Chủ nhật hàng tuần, đúng 8 giờ, bà Phương sẽ cùng những tình nguyện viên trong Nhóm Làm sạch đẹp hồ Hoàn Kiếm với Ninomiya đi nhặt rác đến trưa, sau đó bà sẽ chở rác đến nơi xử lý.
Bà Phương cho biết, tháng 10/2012, bà vô tình đọc được một bài báo viết về một người Nhật tên Ninomiya đi nhặt rác ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, với mong muốn làm sạch môi trường. Bài báo khiến bà Phương rất xúc động. “Hồ Hoàn Kiếm là nơi rất trang trọng mà một người nước ngoài lại tình nguyện nhặt rác do chính người bản địa xả ra, bác ấy còn vận động một số người Nhật Bản đang sinh sống ở Hà Nội tham gia cùng. Vì vậy, tôi cũng tham gia nhóm với tôn chỉ người nhỏ làm việc nhỏ, người già làm việc người già miễn sao góp ích được cho cộng đồng” - bà Phương nói.
Từ đó, cứ đúng 8 giờ sáng Chủ nhật, bà Phương lại dắt chiếc xe đạp mà bố bà mua năm 1975 để làm phương tiện đi học cho con gái để đi chở rác. Bà cũng chuẩn bị kẹp, bao tải, găng tay để thu gom rác. Đặc biệt, bà còn có các túi khác nhau để phân loại rác từ đầu nguồn với 3 loại rác hữu cơ, vô cơ và rác thải điện tử.
Những chai lọ, lon bia, đồ nhựa.... được bà chở đến các nơi tái chế thành những vật dụng hữu ích. Hiện nay, do tuổi cao ông Ninomiya đã trở về Nhật Bản nhưng nhóm nhặt rác do bác ấy sáng lập không tan rã mà còn đông đảo thành viên hơn trước. Có được hiệu ứng tốt như vậy một phần cũng nhờ tinh thần không bỏ cuộc của những người cao tuổi như bà Phương.
Anh Kurogi - thành viên Nhóm chia sẻ: "Tôi tham gia hoạt động nhặt rác tại hồ Hoàn Kiếm đã gần 4 năm, tôi thấy cô Phương là người rất nhiệt tình mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ngày nào cô cũng tham gia hoạt động tình nguyện. Tôi thấy rất cảm kích trước hành động của cô Phương, mong cô nhiều sức khỏe để duy trì công việc ý nghĩa này".
Mong nhiều bạn trẻ khởi nghiệp tái chế rác
Chặng đường 12 năm nhặt rác của bà Phương sẽ chẳng có hồi kết vì bà bảo rằng, kể cả sau này không đi lại được phải ngồi xe lăn bà cũng sẽ lăn xe đi nhặt rác. “Việc nhặt rác của chúng tôi có lẽ cũng chỉ như muối bỏ bể nên điều tôi mong muốn nhất là lan tỏa được tình yêu môi trường trong cộng đồng. Ai cũng có ý thức hạn chế xả rác hoặc vứt rác đúng nơi quy định thì môi trường sống của chúng ta sẽ được cải thiện hơn rất nhiều” - bà Phương tâm sự.
Cũng vì lẽ ấy mà suốt 12 năm qua, kể cả ngày nắng hay ngày mưa, bà Phương đều có mặt vào sáng chủ nhật để chuẩn bị các dụng cụ cho tình nguyện viên nhặt rác rồi cùng các bạn đi nhặt rác. Có những hôm, chỉ có vài người bà cũng đi để duy trì khí thế, động viên các em nhỏ, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường từ bé cho các em. Kết thúc buổi nhặt rác, bà cũng là người vệ sinh các dụng cụ nhặt rác bằng xà phòng để tuần sau sử dụng tiếp.
Chị Thanh Tâm - thành viên của Nhóm chia sẻ: "Hành động nhặt rác tuy rất nhỏ nhưng rất quan trọng cho môi trường, đặc biệt là khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu mỗi người chúng ta có ý thức một chút thì môi trường sẽ thay đổi rất nhiều. Tôi thấy cô Phương rất có tâm không bỏ buổi nào kể cả lễ tết, cô chính là nguồn cảm hứng để những người trẻ chúng tôi làm theo và thêm yêu môi trường".
Được biết, tại nơi sinh sống, bà Phương cũng thu gom rác quanh khu vực. Cứ mỗi tuần 2 xe thồ rác đầy được bà Phương chở đến nơi xử lý. Trong sinh hoạt hằng ngày hiếm khi ai thấy bà dùng túi nilon hay đồ nhựa. Buổi sáng nào bà đi tập thể dục hành trang không thể thiếu là chiếc kẹp và bao tải chứa rác. “Các bạn trẻ giờ uống gì cũng dùng ống hút nhựa, tưởng như sạch nhưng lại có hại sức khỏe vì các hạt vi nhựa đi vào cơ thể. Các chị em nội trợ thì đi chợ nên sử dụng làn thay vì túi ni lông to nhỏ đến cả chục chiếc, như thế thôi đã giúp bảo vệ môi trường rồi” - bà Phương nói.
Bà Phương cho biết, mỗi ngày TP Hà Nội thải ra khoảng 8.000 tấn rác thải đủ loại, đốt một phần còn lại chôn lấp, dần dần cũng sẽ chẳng còn chỗ chôn lấp nữa, vì vậy giải pháp căn cơ là phải hạn chế rác thải ra môi trường. Thực tế có hơn 90% rác thải có thể tái chế được như các loại rau củ quả thải ra có thể đem làm phân hữu cơ, các loại nhựa để tái chế. “Tôi mong phong trào khởi nghiệp tái chế rác và xử lý môi trường phát triển ở các bạn trẻ”- bà Phương bày tỏ.
Đối với nhóm "Làm sạch đẹp hồ Hoàn Kiếm với Ninomiya", bà Phương rất vui, vì đang có một thế hệ trẻ mới tham gia, trong đó có cả những gia đình khi bố mẹ không cần làm cùng các em đã tự giác đi gom rác. Anh Trần Đức Hạnh, Sóc Sơn chia sẻ, gia đình anh cách hồ Hoàn Kiếm 30km nhưng đều có mặt vào chủ nhật hàng tuần. Anh cũng khá bận công việc nhưng sắp xếp thời gian cho các cháu đi để trải nghiệm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
“Tôi là con cháu của chiến sĩ Điện Biên, có chiếc xe đạp này nên chở được rất nhiều thứ, mấy bao rác này ăn thua gì. Nhóm của chúng tôi chỉ hoạt động thuần túy về môi trường, không nhận tài trợ hay quảng cáo, ai có lòng yêu môi trường thì tự nguyện gia nhập thôi. Tôi cũng chỉ mong muốn góp chút sức nhỏ cho đất nước, để không phí hoài xương máu mà ông cha ta đã hy sinh giành độc lập cho dân tộc” - bà Phương xúc động nói.