KTĐT - Khẽ chạm tay lên từng thớ gỗ, ông Nguyễn Văn Mỹ trầm ngâm khi nhớ lại hành trình 23 năm tìm gỗ để làm bản đồ của mình. Ánh nhìn của người cựu giáo chức hơn 80 tuổi như đang dõi về một khoảng xa xăm nào…
23 năm ròng rã, ông lặn lội khắp các vùng miền của cả nước, tìm gỗ cây đặc trưng của từng tỉnh để làm nên tấm bản đồ Việt Nam từ 64 loại gỗ khác nhau.
Hành trình 23 năm
Khẽ chạm tay lên từng thớ gỗ, ông Nguyễn Văn Mỹ trầm ngâm khi nhớ lại hành trình 23 năm tìm gỗ để làm bản đồ của mình. Ánh nhìn của người cựu giáo chức hơn 80 tuổi như đang dõi về một khoảng xa xăm nào…
Hành trình ấy bắt đầu năm 1983 khi thầy giáo Mỹ đã về hưu, đã hoàn tất vai trò của mình trong sự nghiệp trồng người. Năm ấy, ông về thăm rừng quốc gia Cúc Phương. Đang say sưa với cảnh sắc, ông bất ngờ đọc được hai câu thơ mà Bác Hồ đã đề tặng khi đến thăm nơi đây: “Hồn Tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm/ Rừng mất rồi Tổ quốc cũng tiêu vong.”
Hai câu thơ đầy ý nghĩa ấy gieo hạt nơi ông ý tưởng độc đáo: làm tấm bản đồ Việt Nam từ gỗ đặc trưng của từng tỉnh thành để lưu giữ lại niềm tự hào của đất Việt rừng vàng, biển bạc. Và ý tưởng ấy đã trở thành lời hứa âm thầm của ông với Bác, là tâm nguyện của ông với đất nước, để rồi, ở cái tuổi ngoại ngũ tuần, ông bắt đầu hành trình mới của đời mình…
Ngày ông bộc bạch tâm sự này, vợ và các con ông không khỏi giật mình. Không lo sao được khi tuổi ông đã cao mà dự định lại quá lớn lao, đôi bàn chân ông sẽ phải đi đến khắp các tỉnh thành của cả nước, từ đồng bằng cho đến núi cao, từ đỉnh Hà Giang tới Cà Mau Đất Mũi. Lo nên cả nhà đều cản. Nhưng ý ông đã quyết.
Đầu tiên là gỗ của Hà Nội, nơi ông đang sinh sống. Ông chọn gỗ hoa sữa bởi hương hoa thơm nồng ấy đã vun đắp nên bao vần thơ, nốt nhạc.
Như người thợ chắt chiu những hạt bụi vàng, cặm cụi và cần mẫn, cứ mỗi năm ông đi vài tỉnh. Ông xuôi Thái Bình tìm gỗ xoan, qua Hưng Yên lấy gỗ nhãn, về Hải Dương kiếm gỗ vải, xuống Hải Phòng tìm cây phượng vĩ. Ông ngược Tây Bắc rồi lại lặn lội dọc dài đất nước, qua miền Trung, vào Đất Mũi để mang về nào gỗ dừa Bến Tre, cao su Tây Ninh, tràm Đồng Tháp, xoài Ninh Thuận, đước Cà Mau…
Và tấm bản đồ độc nhất vô nhị
Trong triển lãm chào mừng Hội nghị APEC 14 được tổ chức cuối năm 2006 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám có một tấm bản đồ cao 1,4m, rộng 0,8m, làm cho các quan khách đến xem phải bất ngờ vì nó được làm bằng gỗ từ 64 tỉnh, thành trong cả nước.
“Điều quan trọng nhất là bạn bè quốc tế đã thấy được nước Việt mình giàu đẹp thế nào qua bản đồ độc đáo ấy," ông Mỹ tự hào nói.
Nhưng có lẽ không chỉ ngạc nhiên bởi sự phong phú của thiên nhiên Việt, bạn bè quốc tế còn khâm phục hơn nữa lòng yêu nước, sự nhiệt huyết của ông bởi từng thớ gỗ đều được ông chọn lọc, cắt tỉa rất kỳ công. Gỗ đó phải tiêu biểu nhất cho tỉnh, cây già, có vân đẹp.
Để chọn được loại cây đặc trưng cho từng địa phương, ông phải tham khảo rất nhiều tài liệu, sách báo, gặp sở nông lâm nghiệp để hỏi cho đúng.
Khi đã chọn được loại cây, ông lại kỳ công tìm cây nào thật xứng đáng để lấy gỗ. Lên Thái Nguyên với bạt ngàn chè, nhưng ông nhất quyết phải tìm cây chè lâu năm nhất bởi cây càng lâu năm thì vân gỗ càng đẹp. Dò hỏi được một gia đình có thâm niên trồng chè, nhưng phải mất mấy ngày trò chuyện, thuyết phục, ông mới được gia chủ cho một cành của cây chè già nhất vườn với 70 năm tuổi.
Gỗ làm bản đồ cho Bắc Giang cũng là một kỷ niệm đáng nhớ với ông. Nơi đây có cây dã hương đã 1.000 năm tuổi. Biết chắc đó là thứ gỗ duy nhất có đủ tiêu chuẩn để đại diện cho tỉnh trên tấm bản đồ của mình, nhưng ông chỉ nhìn cây chứ không dám chặt cành. Phải đợi tới một năm có trận bão dữ tràn qua tỉnh này, làm mấy cành dã hương bị gẫy, ông lại dò tìm lên Bắc Giang hỏi xin.
23 năm, khi đã xấp xỉ tuổi 80, gia sản mới đủ 64 loại gỗ đại diện cho 64 tỉnh thành của cả nước, ông Mỹ bắt đầu chế tác. Ông lên Cục bản đồ để xin một bản mới nhất, chuẩn nhất của nước Việt Nam để làm mẫu. Rồi cùng với người thợ mộc, ông cần mẫn đêm ngày đục, đẽo, cắt, gọt. “Khó nhất là với các tỉnh ven biển như Khánh Hoà, Quảng Ninh, nơi có nhiều dãy núi ăn ra biển, bản đồ khu vực đất liền lượn sóng nhiều nên việc đẽo gọt rất công phu,” ông Mỹ chia sẻ.
Suốt 3 tháng trời, làm cả ngày lẫn đêm, ông mới ghép xong tấm bản đồ. Lo một số loại gỗ dễ bị gặm nhấm bởi mối, mọt như gỗ cây hoa sữa, gỗ đước, phượng vĩ… ông phải lên tận Cục Lâm nghiệp hỏi cách phòng chống.
“Khi tấm bản đồ hoàn thành, tôi thấy lòng mình thanh thản lạ thường, như vừa hoàn thành xong một điều rất lớn lao đối với cuộc đời mình,” ông Mỹ xúc động nói.
Tấm bản đồ nước Việt Nam độc đáo và độc nhất vô nhị ấy đang được trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long để chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội./.
23 năm ròng rã, ông lặn lội khắp các vùng miền của cả nước, tìm gỗ cây đặc trưng của từng tỉnh để làm nên tấm bản đồ Việt Nam từ 64 loại gỗ khác nhau.
Hành trình 23 năm
Khẽ chạm tay lên từng thớ gỗ, ông Nguyễn Văn Mỹ trầm ngâm khi nhớ lại hành trình 23 năm tìm gỗ để làm bản đồ của mình. Ánh nhìn của người cựu giáo chức hơn 80 tuổi như đang dõi về một khoảng xa xăm nào…
Hành trình ấy bắt đầu năm 1983 khi thầy giáo Mỹ đã về hưu, đã hoàn tất vai trò của mình trong sự nghiệp trồng người. Năm ấy, ông về thăm rừng quốc gia Cúc Phương. Đang say sưa với cảnh sắc, ông bất ngờ đọc được hai câu thơ mà Bác Hồ đã đề tặng khi đến thăm nơi đây: “Hồn Tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm/ Rừng mất rồi Tổ quốc cũng tiêu vong.”
Hai câu thơ đầy ý nghĩa ấy gieo hạt nơi ông ý tưởng độc đáo: làm tấm bản đồ Việt Nam từ gỗ đặc trưng của từng tỉnh thành để lưu giữ lại niềm tự hào của đất Việt rừng vàng, biển bạc. Và ý tưởng ấy đã trở thành lời hứa âm thầm của ông với Bác, là tâm nguyện của ông với đất nước, để rồi, ở cái tuổi ngoại ngũ tuần, ông bắt đầu hành trình mới của đời mình…
Ngày ông bộc bạch tâm sự này, vợ và các con ông không khỏi giật mình. Không lo sao được khi tuổi ông đã cao mà dự định lại quá lớn lao, đôi bàn chân ông sẽ phải đi đến khắp các tỉnh thành của cả nước, từ đồng bằng cho đến núi cao, từ đỉnh Hà Giang tới Cà Mau Đất Mũi. Lo nên cả nhà đều cản. Nhưng ý ông đã quyết.
Đầu tiên là gỗ của Hà Nội, nơi ông đang sinh sống. Ông chọn gỗ hoa sữa bởi hương hoa thơm nồng ấy đã vun đắp nên bao vần thơ, nốt nhạc.
Như người thợ chắt chiu những hạt bụi vàng, cặm cụi và cần mẫn, cứ mỗi năm ông đi vài tỉnh. Ông xuôi Thái Bình tìm gỗ xoan, qua Hưng Yên lấy gỗ nhãn, về Hải Dương kiếm gỗ vải, xuống Hải Phòng tìm cây phượng vĩ. Ông ngược Tây Bắc rồi lại lặn lội dọc dài đất nước, qua miền Trung, vào Đất Mũi để mang về nào gỗ dừa Bến Tre, cao su Tây Ninh, tràm Đồng Tháp, xoài Ninh Thuận, đước Cà Mau…
Và tấm bản đồ độc nhất vô nhị
Trong triển lãm chào mừng Hội nghị APEC 14 được tổ chức cuối năm 2006 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám có một tấm bản đồ cao 1,4m, rộng 0,8m, làm cho các quan khách đến xem phải bất ngờ vì nó được làm bằng gỗ từ 64 tỉnh, thành trong cả nước.
“Điều quan trọng nhất là bạn bè quốc tế đã thấy được nước Việt mình giàu đẹp thế nào qua bản đồ độc đáo ấy," ông Mỹ tự hào nói.
Nhưng có lẽ không chỉ ngạc nhiên bởi sự phong phú của thiên nhiên Việt, bạn bè quốc tế còn khâm phục hơn nữa lòng yêu nước, sự nhiệt huyết của ông bởi từng thớ gỗ đều được ông chọn lọc, cắt tỉa rất kỳ công. Gỗ đó phải tiêu biểu nhất cho tỉnh, cây già, có vân đẹp.
Để chọn được loại cây đặc trưng cho từng địa phương, ông phải tham khảo rất nhiều tài liệu, sách báo, gặp sở nông lâm nghiệp để hỏi cho đúng.
Khi đã chọn được loại cây, ông lại kỳ công tìm cây nào thật xứng đáng để lấy gỗ. Lên Thái Nguyên với bạt ngàn chè, nhưng ông nhất quyết phải tìm cây chè lâu năm nhất bởi cây càng lâu năm thì vân gỗ càng đẹp. Dò hỏi được một gia đình có thâm niên trồng chè, nhưng phải mất mấy ngày trò chuyện, thuyết phục, ông mới được gia chủ cho một cành của cây chè già nhất vườn với 70 năm tuổi.
Gỗ làm bản đồ cho Bắc Giang cũng là một kỷ niệm đáng nhớ với ông. Nơi đây có cây dã hương đã 1.000 năm tuổi. Biết chắc đó là thứ gỗ duy nhất có đủ tiêu chuẩn để đại diện cho tỉnh trên tấm bản đồ của mình, nhưng ông chỉ nhìn cây chứ không dám chặt cành. Phải đợi tới một năm có trận bão dữ tràn qua tỉnh này, làm mấy cành dã hương bị gẫy, ông lại dò tìm lên Bắc Giang hỏi xin.
23 năm, khi đã xấp xỉ tuổi 80, gia sản mới đủ 64 loại gỗ đại diện cho 64 tỉnh thành của cả nước, ông Mỹ bắt đầu chế tác. Ông lên Cục bản đồ để xin một bản mới nhất, chuẩn nhất của nước Việt Nam để làm mẫu. Rồi cùng với người thợ mộc, ông cần mẫn đêm ngày đục, đẽo, cắt, gọt. “Khó nhất là với các tỉnh ven biển như Khánh Hoà, Quảng Ninh, nơi có nhiều dãy núi ăn ra biển, bản đồ khu vực đất liền lượn sóng nhiều nên việc đẽo gọt rất công phu,” ông Mỹ chia sẻ.
Suốt 3 tháng trời, làm cả ngày lẫn đêm, ông mới ghép xong tấm bản đồ. Lo một số loại gỗ dễ bị gặm nhấm bởi mối, mọt như gỗ cây hoa sữa, gỗ đước, phượng vĩ… ông phải lên tận Cục Lâm nghiệp hỏi cách phòng chống.
“Khi tấm bản đồ hoàn thành, tôi thấy lòng mình thanh thản lạ thường, như vừa hoàn thành xong một điều rất lớn lao đối với cuộc đời mình,” ông Mỹ xúc động nói.
Tấm bản đồ nước Việt Nam độc đáo và độc nhất vô nhị ấy đang được trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long để chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội./.