KTĐT - Thời gian làm việc dài, cường độ làm việc cao và đặc biệt là rất ít được tham gia vào các hoạt động văn hóa tinh thần, đó là những điều được đúc rút từ đời sống công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.
Không phải các cấp Công đoàn không nỗ lực để mang lại cho người lao động một cuộc sống tinh thần đầy đủ, nhưng các hoạt động mới chỉ ở bước khởi động. Và "Tháng công nhân" (tháng 5/2011) được kỳ vọng sẽ mở ra được một bức tranh mới trong cuộc sống của công nhân Hà Nội.
Những khởi đầu được chào đón
Không phải đến bây giờ, việc phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong công nhân lao động mới được các cấp công đoàn Thủ đô đặt ra. Đây vốn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo tổ chức công đoàn trăn trở nhiều và nỗ lực không ít. Nhưng bản thân các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới những hoạt động này, khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi. Và như lãnh đạo LĐLĐ Hà Nội đã nói, năm vừa qua có thể coi là một năm với những khởi đầu rất đáng ghi nhận. Những chương trình ca, múa, nhạc, xiếc hoặc "Hát cho công nhân nghe và nghe công nhân hát" do Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội phối hợp với các cấp Công đoàn thực hiện hiện tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn Sơn Tây, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh... như cơn mưa rào làm dịu đi nỗi khát khao văn hóa tinh thần bấy lâu của họ. Và năm 2011 này, Cung Văn hóa Hữu nghị dự kiến tiếp tục tổ chức 9 buổi biểu diễn văn hoá văn nghệ tại các khu công nghiệp - chế xuất tập trung và mở 3 lớp đào tạo cán bộ văn hoá cơ sở cho công đoàn (ca, múa, khiêu vũ) để khơi gợi phong trào tại chỗ.
Kỳ vọng mới
Lãnh đạo LĐLĐ Hà Nội cho biết, sẽ lấy việc tổ chức "Tháng công nhân", vừa được phát động tại khu nhà trọ công nhân lao động (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long làm điểm nhấn để sau đó tiếp tục phát huy tính tích cực của các hoạt động văn hóa tinh thần. Khởi đầu cho "Tháng công nhân", một điểm sinh hoạt văn hóa công nhân có diện tích 250m2, bao gồm các trang thiết bị hiện đại đã được khai trương. Ở đây cũng có thư viện được trang bị sách, báo, tài liệu để nâng cao kiến thức pháp luật, xã hội, các vật dụng để nâng cao đời sống tinh thần như ti vi, dàn âm thanh cũng như một số dụng cụ thể thao. Công đoàn kỳ vọng đây sẽ trở thành điểm đọc sách, báo văn hóa, nơi giao lưu, đối thoại... cho công nhân, lao động. Các hoạt động tại đây sẽ được duy trì đều đặn nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của người lao động, thông qua đó tăng cường tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm và quyền lợi hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Trong thời gian tới, LĐLĐ cũng tiếp tục củng cố và tăng cường hiệu quả của các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã từng đượccác cấp Công đoàn phối hợp thành lập và tổ chức hoạt động. Đó là các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) của CĐ Xây dựng Hà Nội, một số điểm đã có sẵn tại các quận, huyện. Tiếp tục xây dựng những điểm sinh hoạt văn hóa công nhân này được đặt tại nơi lưu trú của công nhân lao động trong khu dân cư, để họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng các hoạt động văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần. Và những đêm "Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát" sẽ diễn ra nhiều hơn nữa.