Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hậu AFF Cup: Trẻ xông pha, già hết cửa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau thất bại cay đắng tại AFF Cup, các nhà hoạch định chiến lược cho bóng đá Việt Nam đang tính đến chuyện, xóa đi làm lại ở đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Theo đó, các cầu thủ trẻ sẽ được đầu tư, còn những cựu binh sẽ không có đất để thi thố tài năng.

SEA Games là sống còn

Trong năm 2013, bóng đá Việt Nam có hai mục tiêu cần hướng tới là vòng loại Asian Cup và SEA Games 27. Theo lẽ thường, với một nền bóng đá phát triển, Asian Cup, sân chơi của châu Á sẽ là cái đích quan trọng nhất cần hướng tới. Đây cũng là giải đấu sẽ mang đến vị thế mới cho bóng đá nước nhà. Với Việt Nam, sự thăng tiến nhanh chóng trong thời gian vừa qua giúp bóng đá Việt Nam không phải trải qua vòng đấu sơ loại. Thế nhưng, VFF đang tính đến chuyện, bỏ sân chơi lớn để dồn sức cho sân chơi nhỏ là SEA Gammes 27.

Theo một bản kế hoạch đã được dự trù, bóng đá Việt Nam sẽ coi SEA Games là mục tiêu sống còn trong năm 2013. Cũng dễ hiểu thôi, thất bại tại AFF Cup khiến hệ thống quản lý bóng đá tại Việt Nam chao đảo. VFF phải tiến hành đại hội sớm. Thậm chí, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đang chịu áp lực trước lời kêu gọi phải từ chức ngay tức thì. VFF đang đứng trước lựa chọn, phải có được kết quả khả quan tại SEA Games, hoặc mất tất cả.

Áp lực về thành tích đòi hỏi VFF phải đi đến chiến lược, ưu tiên tuyệt đối cho SEA Games. Với tổ chức này, thành tích tại SEA Games quan trọng hơn tất thảy. Thế nên, vòng loại Asian Cup không có nhiều ý nghĩa với VFF, bởi thực ra, đây chính là sân chơi mà có cố gắng thì đội tuyển Việt Nam cũng không có thể mang đến những đột biến. Thế nên, thay vì hướng đến một sân chơi không có nhiều cơ hội thăng tiến, VFF quyết định chơi canh bạc tất tay tại SEA Games 27.

Hậu AFF Cup: Trẻ xông pha, già hết cửa - Ảnh 1

Nhiều cựu binh phải chia tay ĐTQG. Ảnh: Khánh Hòa

Ưu tiên măng non

Theo kế hoạch, đội tuyển U22 sẽ được lựa chọn làm nòng cột tham dự vòng loại Asian Cup sắp tới. Dẫn dắt đội bóng này là HLV Hoàng Văn Phúc, người thường xuyên dẫn dắt các đội bóng trẻ. Bản thân kế hoạch này đã cho thấy lựa chọn của VFF là buông đấu trường châu lục và dành cơ hội cho các cầu thủ trẻ được nâng cao kinh nghiệm trận mạc.

Người ta tính toán rằng, các cầu thủ trẻ sẽ trưởng thành khi được khoác áo ĐTQG ở vòng loại Asian Cup. Chưa hết, với hàng loạt trận đấu quốc tế trong năm 2013, các cầu thủ trẻ thuộc lứa U23 sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 27.

Nhưng, vấn đề đặt ra là lựa chọn của VFF có thể khiến các nhà tài trợ phật lòng. Không nhà tài trợ nào của đội tuyển Việt Nam lại chấp nhận việc bỏ một đống tiền cho một đội bóng chỉ biết thua và thua. Hơn nữa, thành tích yếu kém của ĐTQG có thể ảnh hưởng đến vị thế của bóng đá Việt Nam cũng như quyền lợi của các nhà tài trợ. Bên cạnh đó, AFC sẽ không dành những đặc ân cho một nền bóng đá kém phát triển và vô hình trung, chiến lược ưu tiên cho sân chơi nhỏ của VFF lại khiến uy tín, vị thế của bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng.

VFF đang đứng trước nhiền con tính mang tầm chiến lược. Nhưng có vẻ, áp lực về thành tích, nỗ lực tìm kiếm thành công ngay tức thì đang đẩy tổ chức này vào những quyết định sai lầm về chiến lược. Không ai ngăn cản VFF dành sự ưu tiên cho SEA Games 27, nhưng vẫn cần phải hài hòa lợi ích của ĐTQG cũng như trách nhiệm với các nhà tài trợ. Bởi, nên nhớ rằng, trong hoàn cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, một đồng của nhà tài trợ với VFF cũng vô cùng quý giá.