Hậu Brexit, nước Anh sẽ thành "Singapore trên sông Thames"?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi hoàn tất việc rời khỏi Liên minh châu Âu, đây có thể sẽ là mô hình phát triển kinh tế mà nước Anh hướng đến.

Hơn một năm sau thời điểm nước Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một trong số những mô hình mà nước Anh hướng tới hậu Brexit mới dần được định hình, đó chính là một Singapore mới.
 
Peter Hargreaves, tỷ phú người Anh tài trợ cho chiến dịch ủng hộ Brexit đã tiên phong đề cập về sự tương đồng giữa Anh và Singapore. “Khi Lý Quang Diệu lên nắm quyền, Singapore chỉ là một hòn đảo khan hiếm tài nguyên, nhưng ông ấy đã biến nó thành một trong những nền kinh tế tốt nhất thế giới. Đó là một hình mẫu cho thấy khả năng của một quốc gia nhỏ với tiềm lực cực kỳ hạn chế và nước Anh hoàn toàn có thể làm được điều tương tự, thậm chí là xa hơn” - tỷ phú Hargreaves chia sẻ.
Dù sự chênh lệch về dân số và điều kiện địa lý khiến ý tưởng này thoạt đầu có vẻ xa vời, tuy nhiên không thể phủ nhận Singapore đã thực sự trội hơn Anh ở một vài chỉ số cơ bản. Đảo quốc sư tử đã chính thức vượt Anh về mức thu nhập đầu người từ năm 2006 và nới rộng khoảng cách trung bình khoảng 1.000 USD/người mỗi năm. Về sức mua, Singapore đang xếp thứ 5 trong số các nước giàu nhất thế giới vào thời điểm 2015, trong khi Anh giữ thứ hạng 26. Do đó, khả năng giới tinh hoa Anh ủng hộ ý tưởng rời khỏi EU để trở thành một Singapore mới là khá lớn. Điều đó đồng nghĩa với cam kết nâng mức thu nhập đầu người tại Anh lên cao hơn sau khi Brexit, triển vọng việc làm lớn hơn, ít nhất là ở mức tương đồng với cựu thuộc địa của mình.
Về lý thuyết, Brexit cho phép nước Anh linh hoạt hơn trong phát triển kinh tế, thay vì phụ thuộc đáng kể vào Brussels. Anh cũng hoàn toàn có thể định vị mình tại châu Âu như một trung tâm tài chính - thương mại nếu Thủ tướng Theresa May có thể đạt được đàm phán Brexit theo cách dễ dàng và thuận lợi. Tuy nhiên, để có thể theo đuổi giấc mơ đó, nước Anh cũng đang phải trả một cái giá khá đắt, đó là phải vứt bỏ vị thế trung tâm tài chính vốn có ở châu Âu trong suốt nhiều thập kỷ qua. Khác với Singapore từ một trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trước khi vươn mình trở thành một trung tâm tài chính - thương mại, nước Anh đã giữ vai trò tương tự ở châu Âu suốt hàng chục năm qua. Nước Anh có thể cần đến nhiều thập kỷ để khôi phục lại vị trí trái tim tài chính - thương mại châu Âu hậu Brexit.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần