Một nhóm tự xưng là "Các triệu phú yêu nước” khẳng định, những người siêu giàu hiện chưa phải trả phần thuế xứng đáng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19.
“Là các triệu phú, chúng tôi hiểu hệ thống thuế hiện hành không công bằng. Hầu hết chúng ta biết, dù thế giới đã trải qua vô số đau khổ trong hai năm qua, những người giàu nhất vẫn tiếp tục gia tăng khối tài sản - nhưng rất ít ai trong chúng ta có thể thành thật nói rằng đã trả thuế một cách công bằng, ” theo một bức thư ngỏ được công bố nhân dịp diễn ra Hội nghị Davos trực tuyến do Diễn đàn Kinh tế Thế giới khởi xướng, bắt đầu từ ngày 17/1.
Những người cùng ký tên thư bai gồm người thừa kế tập đoàn Disney Abigail Disney và nhà đầu tư mạo hiểm Nick Hanauer.
Năm 2021, Reuters đã đưa tin về sự gia tăng đáng kinh ngạc tài sản của các tỷ phú, khi thế giới rơi vào tình trạng bế tắc và nền kinh tế toàn cầu đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, khiến nhóm triệu phú kêu gọi áp thuế cao hơn.
Dù điều này thúc đẩy hơn 130 quốc gia thông qua một thỏa thuận siết chặt, yêu cầu các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu toàn cầu, các triệu phú nói trên khẳng định, những người giàu có vẫn cần phải đóng góp nhiều hơn.
Trong hai năm xảy ra đại dịch, tài sản của 10 cá nhân giàu nhất thế giới đã tăng 1,5 nghìn tỷ USD - tương đương 15.000 USD mỗi giây - một nghiên cứu của Oxfam tuần này cho thấy.
Người phát ngôn của WEF cho biết việc trả thuế công bằng là một trong những nguyên lý của diễn đàn và mô hình thuế tài sản của Thụy Sĩ, nơi tổ chức này đặt trụ sở - có thể là ví dụ tốt để triển khai ở những nơi khác.
Ở hầu hết các quốc gia ngoài số ít ở châu Âu và Nam Mỹ, người giàu không phải trả thuế hàng năm đối với bất động sản, cổ phiếu hoặc tác phẩm nghệ thuật, và chỉ bị đánh thuế khi những tài sản này được bán.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm “Các triệu phú yêu nước” cùng với Oxfam và các tổ chức phi lợi nhuận khác, thuế tài sản lũy tiến bắt đầu từ 2% đối với những người sở hữu trên 5 triệu USD và tăng lên 5% đối với các tỷ phú có thể thu được 2,52 nghìn tỷ USD. Số này đủ để đưa 2,3 tỷ người trên toàn cầu thoát khỏi đói nghèo và đảm bảo chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội cho các cá nhân sống ở các nước có thu nhập thấp hơn.