Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy ứng xử với biệt thự cổ như di sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biệt thự 107 Trần Hưng Đạo bị sập đổ để lại nỗi xót xa và lo lắng. Với biệt thự sở hữu Nhà nước, do Nhà nước quản lý được bảo trì đều đặn thì không có gì phải phàn nàn.

Nhưng với các biệt thự thuộc sở hữu người dân, do người dân sử dụng thì việc bảo trì là điều không đơn giản, bởi trong mỗi biệt thự có thể có một vài hộ dân nhưng cũng có thể lên tới vài chục hộ, và vì thế những ngôi biệt thự già nua đang phải chịu áp lực của cuộc sống hàng ngày. Việc cải tạo, bảo trì vì nhiều lẽ sẽ rất khó khăn.

Với cái nhìn của một người sinh ra, gắn bó và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Hà Nội, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, giải quyết vấn đề này không phải là quá khó, vấn đề ở chỗ có làm hay không và phải khỏa lấp những lỗ hổng, bất cập.

Thiếu hồ sơ gốc - lỗ hổng

Biệt thự xây dựng từ thời Pháp là một quỹ kiến trúc có giá trị. Theo tôi, trong số các biệt thự được xếp vào loại đặc biệt, có hơn 40 biệt thự rất đặc biệt, hiện chủ yếu được sử dụng để làm đại sứ quán các nước, nhà công vụ cho các lãnh đạo cấp cao và một số cơ quan T.Ư. Các biệt thự này chủ yếu nằm ở các phố Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ. Còn lại các biệt thự nằm ở khu vực trung tâm nội thành, chủ yếu ở Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Khuôn viên của các biệt thự thường rộng từ 500m2 đến hàng ngàn mét vuông. Nhóm 1 là những biệt thự còn nguyên dạng kiến trúc, khuôn viên chưa bị lấn chiếm. Nhóm 2 là những biệt thự cũng còn giữ được kiến trúc bên ngoài, giữ được mật độ, chiều cao nhưng bên trong đã bị sửa chữa ít nhiều. Nhóm 3 là các biệt thự đã xuống cấp, cần thiết có thể phá dỡ xây dựng lại. Trong số các biệt thự có khoảng 500 nhà thuộc sở hữu tư nhân. Các biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước chủ yếu làm trụ sở, nhà công vụ. Vấn đề chủ yếu là ở những biệt thự do tư nhân sở hữu, sử dụng.
Lối đi chật hẹp tại một biệt thự Pháp cổ ở quận Hoàn Kiếm. 	Ảnh: Linh Tâm
Lối đi chật hẹp tại một biệt thự Pháp cổ ở quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Linh Tâm
Trong quản lý, Bộ Xây dựng đã có quy định về bảo trì công trình. Nhưng theo tôi có một lỗ hổng, đó là những biệt thự đã được chuyển giao đều không còn hồ sơ gốc. Hồ sơ gốc không phải không có. Khi tiếp nhận hồ sơ từ người Pháp có đầy đủ hồ sơ gốc của các biệt thự tại Hà Nội trước năm 1954. Tôi cũng được biết, cuối những năm 70 của thế kỷ trước, các công ty xây dựng đã gửi cho ta danh sách các biệt thự đã quá hạn sử dụng để thông báo. Nhưng hết hạn sử dụng không có nghĩa là hư hỏng. Bởi vì hiện nay trên thế giới có những công trình được xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII mà vẫn tồn tại một cách bền vững đến hôm nay do có quá trình bảo trì rất tốt.

Rất nhiều chủ sở hữu, sử dụng không có hồ sơ gốc của công trình. Ngay như trụ sở của Hội KTS Việt Nam đang quản lý, sử dụng tại địa chỉ 23 Đinh Tiên Hoàng cũng trong tình trạng này. Để tôn tạo, duy tu, Hội phải thăm dò kết cấu, nền móng, kiểm tra kỹ lưỡng. Đó là cơ quan Nhà nước mới làm thế được, còn với người dân thì rất khó để thực hiện các quy trình này. Vì vậy, để tôn tạo, duy tu các biệt thự, ngoài vấn đề phân nhóm ra còn phải phân cấp trong quản lý. Và đặc biệt cơ quan quản lý nhà cần cung cấp cho các chủ sở hữu, sử dụng bản sao của hồ sơ gốc để nắm được kết cấu của nhà, còn biết được sửa chữa thế nào, được tu sửa hay không. Khi lập hồ sơ cải tạo cần phải xin phép, mà thủ tục xin phép phải có đầy đủ hồ sơ kết cấu, kiến trúc thì mới thẩm định được.

Giữ những biệt thự còn khuôn viên, sân vườn

Một vấn đề cần suy nghĩ đó là đã xác định những biệt thự có giá trị về văn hóa kiến trúc như di sản thì phải được quản lý theo Luật Di sản. Không thể ào ào được. Nếu đã xếp biệt thự thuộc hạng đặc biệt như là di sản thì phải quản lý như đối với di sản, tức là khi sửa chữa, cải tạo phải trả lại kiến trúc ban đầu, kỹ lưỡng từng chi tiết như gờ phào, mái ngói… Theo tôi, Hà Nội không nên “ôm đồm” quá nhiều biệt thự mà cần tính đến những chính sách, phương án cụ thể với từng biệt thự để ứng xử cho phù hợp. Có thể tính đến cả việc xây lại, đấu giá với một số trường hợp; có thể xây dựng chính sách để di dời các hộ dân ra khỏi các biệt thự, đặc biệt là những biệt thự đã xuống cấp, nguy hiểm.

Cần nhìn vào thực tế là chính sự chất tải làm biến dạng biệt thự. Một biệt thự mà có đến vài chục hộ dân chung sống ở trong đó; chưa kể biệt thự lại bị biến thành nhà hàng, biệt thự là để ở mà lại sửa chữa để chứa hàng trăm khách. Biệt thự không còn sân vườn, không còn cây cổ thụ, cây bị chặt phá để xây xen thì không còn là biệt thự nữa. Quan trọng là phải giữ bằng được các biệt thự còn khuôn viên, sân vườn.

Với biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, có thể nói các chủ sở hữu đã coi thường công tác bảo trì hàng năm và có sự tùy tiện trong sử dụng. Biệt thự mà như nhà tập thể, lại còn làm trụ sở làm việc, có cả hội trường. Cơi nới, chất tải thì công trình mới bị sập. Qua sự cố này cũng báo động, các bên cần có trách nhiệm hơn nữa và cơ quan quản lý cần có chế tài để khắc phục tình trạng sử dụng biệt thự một cách tùy tiện.

Ở Hà Nội có nhiều biệt thự được cải tạo lại nguyên trạng, rất đẹp, giữ được hình thái kiến trúc. Quan trọng là có bảo trì hàng năm. Điển hình là các biệt thự do các đại sứ quán đang sử dụng. Để sử dụng, giữ gìn biệt thự không bị xuống cấp phải là những chủ sử dụng có văn hóa và năng lực, họ hiểu giá trị của biệt thự nên họ giữ được khuôn viên, cây xanh, cải tạo, bảo trì mà không hề làm thay đổi, biến dạng công trình. Biệt thự xây từ thời Pháp tồn tại hàng thế kỷ, cho dù hết niên hạn thì cũng không thể đổ sập nếu có bảo trì đều đặn.
Với quỹ nhà của TP và quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước, trong đó có biệt thự, hàng năm, TP Hà Nội đều có kế hoạch bảo trì, cải tạo, vì vậy chất lượng luôn được duy trì. Với những công trình tư nhân, đa sở hữu, theo quy định của pháp luật, người chủ phải có trách nhiệm. Hỗ trợ của chính quyền chủ yếu là về kỹ thuật, nếu cần thiết, người dân có thể đến Sở Xây dựng để được hỗ trợ thêm.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng
Việc bảo tồn các biệt thự xây dựng trước năm 1945 tại Hà Nội, quan trọng nhất là trung thành với phong cách kiến trúc nguyên gốc vì đây là giá trị nghệ thuật. Thực chất những công trình xây dựng ở Việt Nam mặc dù làm theo phong cách Pháp nhưng cũng ít nhiều có sự pha trộn những yếu tố của bản xứ như các loại gạch, ngói, các loại cây cỏ. Những yếu tố này không hề phương hại đến ý nghĩa nghệ thuật kiến trúc, mà tạo ra sự kết hợp Âu - Á, sự giao thoa trong nghệ thuật.
PGS.TS.KTS Tôn Đại