Để tìm hiểu rõ hơn về những biện pháp mà HĐND quận Cầu Giấy đã và đang thực hiện, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến.
Giải quyết 208 kiến nghị của cử tri
PV: Với vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tại địa phương, xin ông cho biết, HĐND quận đã có những biện pháp gì để thực hiện các nhiệm vụ của mình?
- Trong 6 tháng đầu năm 2023, HĐND quận đã cơ bản hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra và theo hướng ngày càng dân chủ, thực chất, chất lượng và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát sinh; các nội dung, vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp.
Duy trì và thực hiện tốt chế độ giao ban, phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND. Công tác phối hợp tiếp tục được nâng cao, chặt chẽ. Tham gia đầy đủ các hoạt động chung của quận.
Bên cạnh đó, HĐND quận đã tổ chức thành công 2 kỳ họp, trong đó 1 kỳ họp chuyên đề, ban hành 15 nghị quyết, trong đó có 12 nghị quyết chuyên đề, là căn cứ pháp lý để UBND quận triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của quận năm 2023 cũng như của cả nhiệm kỳ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các kỳ họp tiếp tục được đẩy mạnh. HĐND quận đã tổ chức thực hiện 13 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề. Thực hiện tổ chức phiên giải trình về Công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo “trên bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu, màn hình chuyên quảng cáo, quảng cáo rao vặt” trên địa bàn quận Cầu Giấy...
Một trong những điểm nhấn của HĐND là hoạt động tiếp xúc cử tri, đôn đốc giải quyết những kiến nghị của cử tri, xin ông cho biết, quận đã triển khai các hoạt động trên ra sao?
- Trong những năm qua, hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của HĐND quận luôn được quan tâm, chú trọng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, có sự đổi mới về nội dung, hình thức, đối tượng tiếp xúc, tiếp thu được nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời theo quy định.
Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND quận đã tổ chức thực hiện 40 cuộc tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử. Tổng hợp 255 ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Trong đó, UBND quận, các đơn vị liên quan đã giải quyết, trả lời 208 kiến nghị (đạt 82%). Còn 47 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền TP và quận, HĐND quận đang tổng hợp phân loại chuyển UBND quận và các đơn vị có thẩm quyền giải quyết, trả lời theo quy định. Đối với công tác tiếp công dân, HĐND quận đã thực hiện 216 buổi tiếp công dân, tiếp nhận 15 đơn kiến nghị phản ánh, đã giải quyết 11 đơn, 4 đơn đã hướng dẫn cử tri thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND quận và các cơ quan, đơn vị, UBND các phường thuộc quận đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, nâng cao niềm tin của cử tri với đại biểu dân cử và các cấp chính quyền, góp phần tác động tích cực, đảm bảo ổn định an ninh - trật tự, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn quận.
Không tạo điểm nóng trên địa bàn
Như vậy có thể thấy, việc TP Hà Nội thí điểm xóa bỏ HĐND cấp phường đã không ảnh hưởng đến hoạt động của HĐND cấp quận. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn cần tiếp tục hoàn thiện mô hình mới này. Vậy ông cho biết, đâu là những khó khăn mà HĐND quận Cầu Giấy đã và đang gặp phải?
- Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của HĐND quận Cầu Giấy còn có những khó khăn, tồn tại như: Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề chưa được phát huy. Việc tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại diện chính quyền, các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương chưa đầy đủ. Một số ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh nhiều lần chưa được giải quyết hoặc chậm giải quyết. Công tác giám sát, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, việc giải trình, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số cơ quan chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động tiếp công dân của HĐND quận vẫn chủ yếu là do các đại biểu là Thường trực HĐND và lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND quận thực hiện. Công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND chủ yếu là lắng nghe, hướng dẫn hoặc tiếp nhận và chuyển đơn nên số lượng công dân đến các buổi tiếp dân của Thường trực, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND quận chưa nhiều…
Với vai trò là Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận, ông có đề xuất, kiến nghị gì để giải quyết vấn đề này?
- Để khắc phục tình trạng trên, HĐND quận Cầu Giấy đề xuất các đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể về tầm quan trọng trong việc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng… Phát huy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND trong việc liên hệ với cử tri, nắm bắt tình hình địa phương nơi ứng cử, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với HĐND, Thường trực HĐND, kịp thời giải quyết, không tạo điểm nóng trên địa bàn.
Đẩy mạnh hoạt động giám sát chuyên đề đối với lĩnh vực giải quyết kiến nghị của cử tri, lựa chọn tập trung vào những vấn đề chưa được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm và những vấn đề mà UBND và các cơ quan liên quan hứa giải quyết trong thời gian nhất định để giám sát. Sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri phải tổng hợp, phân loại và chuyển kiến nghị đến đúng địa chỉ để giải quyết; cần nâng cao vai trò giám sát các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã gửi gắm đến đại biểu và yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết thông qua các kỳ họp HĐND, qua công tác xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân.
Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri phải cụ thể, chi tiết, bố trí thời gian, địa điểm phải phù hợp để đảm bảo số lượng, thành phần tham dự. Chủ động nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân trước hội nghị tiếp xúc, giúp cho các hội nghị tiếp xúc an toàn, chất lượng.
Đặc biệt, tại mỗi điểm tiếp xúc cử tri nên có sự tham gia của đại diện lãnh đạo của phòng, ban, ngành, đơn vị chuyên môn, đại diện chính quyền địa phương để giải đáp, giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền, tạo tâm lý thoải mái cho cử tri tham gia buổi tiếp xúc…
Xin cám ơn ông!