Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HĐND TP Hà Nội tái chất vấn các thành viên UBND Thành phố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/7, HĐND TP đã tái chất vấn việc thực hiện kết luận của Chủ tọa về các nội dung: Kinh tế - Ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; quản lý đất đai; văn hóa - xã hội và dân sinh (an toàn thực phẩm) đã chất vấn tại kỳ họp thứ 8.

Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý trước câu hỏi đặt ra về việc thanh tra toàn diện việc nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), tại phần tái chất vấn nội dung nợ đọng xây dựng cơ bản.
Trước các câu hỏi tái chất vấn về việc giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Quý cho biết, hiện có 3 huyện đang có nợ ngoài kế hoạch là Đan Phượng 38 dự án (DA) với 69 tỷ đồng, Phúc Thọ 19 DA và Mỹ Đức 1 DA là 2,4 tỷ đồng. Hiện nay, TP đang giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện việc nợ đọng XDCB, trong đó cả nợ ngoài kế hoạch, Thành phố sẽ có biện pháp xử lý sau khi có kết luận của Thanh tra.
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý
Về bố trí nguồn giải quyết nợ XDCB, năm nay, trong dự toán thu chi đã bố trí giải quyết phần lớn số nợ này, đảm bảo giải quyết 59%, trong đó chú trọng bố trí vốn giải quyết nợ cho những công trình chuyển tiếp, hoàn thành. Tính đến ngày 30/6/2014, toàn TP đã giải ngân được 4.388 tỷ đồng, quận, huyện, thị xã giải ngân đợc 1.600 tỷ đồng, đạt 54%. Cũng theo ông Quý, năm nay, vốn đầu tư phát triển của toàn TP chỉ bằng 60% so với năm 2013, các quận, huyện, thị xã giữ nguyên như năm 2013.

Theo kế hoạch, sẽ xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB trong 2 năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, theo tính toán, hết năm 2015, nhiều huyện sẽ vẫn còn khoản nợ lớn hơn nguồn vốn phân cấp, như huyện Ba Vì nợ 156 tỷ đồng trong khi nguồn vốn phân cấp huyện chỉ được 115 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên đang nợ 378 tỷ đồng, nguồn vốn phân cấp huyện 115 tỷ đồng; huyện Ứng Hòa nợ 166 tỷ đồng, nguồn vốn phân cấp 104 tỷ đồng…

Các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phương, Phúc Thọ, Ứng Hòa, là 5 huyện khó khăn của TP, đang có số nợ đọng XDCB cao. Trong số các huyện này chỉ có Đan Phương có khả năng đấu giá đất. Giám đốc Sở KH-ĐT đề xuất HĐND TP xin cơ chế đặc thù, tạo nguồn thu để các huyện này trả nợ, cụ thể: HĐND TP thông qua kế hoạch 3 năm về nguồn vốn ngân sách, hỗ trợ trong 3 năm được khoảng 300 tỷ trong 3 năm 2013, 2014, 2015. Như vậy, năm 2014, 2015 sẽ được 200 tỷ, xin phép HĐND cho sử dụng nguồn vốn này để giải quyết nợ đọng XDCB. Đồng thời, tăng cường đấu giá đất, 100% số kinh phí thu được sẽ để lại cho huyện để trả nợ.

Tuy nhiên, phần trả lời của Giám đốc Sở KH-ĐT chưa được một số ĐB hài lòng. ĐB Nguyễn Văn Nam cho rằng, thông tin mà Sở KH-ĐT đưa ra không mới, giải pháp cũng chỉ là tình thế. Đặc biệt, số liệu nợ đọng XDCB báo cáo cũng không thống nhất. Năm ngoái báo cáo về nợ đọng XDCB chỉ báo cáo nợ ở cấp TP còn các quận, huyện thị xã không nợ. “Việc theo dõi, chấp hành quy định trong đầu tư của Thành phố đang “có vấn đề”, các giải pháp đề ra cũng mới chỉ mang tính tình thế”.  Tới đây, năm 2015, khi thực hiện phân cấp nguồn thu-chi theo ngân sách mới, đại biểu Nam đề nghị cần quan tâm nguồn thu cho các quận, huyện phải đảm bảo đáp ứng nguồn chi, đặc biệt ở các quận, huyện khó khăn.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cũng cho rằng, mặc dù UBND TP đã báo cáo không để phát sinh nợ mới, song, các con số nợ đọng XDCB báo cáo lên HĐND  TP không hiểu do phát sinh mới hay do tổng hợp không đầy đủ. “Kỳ họp HĐND TP trước thì báo cáo nợ đọng XDCB toàn TP khoảng 3.00 tỷ, sau đó lại được báo cáo là hơn 3.000 tỷ đồng. Đến kỳ họp này đã lên hơn 4.000 tỷ đồng. Đã là con số cuối cùng hay chưa, hay vẫn phải chờ Kết luận Thanh tra TP. Lúc nào mới có Kết luận thanh tra?” - Chủ tịch HĐND đặt đặt vấn đề.

Về việc này, Giám đốc Sở KH-ĐTcho biết, năm sau, UBND TP sẽ rà soát lại nhiệm vụ phân cấp, gắn với nhiệm vụ chi. Thanh tra Thành phố cũng đã tổng hợp xong và đang rà soát lại nợ XDCB, trong tháng 7 hoặc đầu tháng 8 sẽ có kết luận thanh tra.
Về công tác quản lý đất đai

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, mục đích chính việc thanh tra quản lý sử dụng đất đai là nhằm đưa đất vào sử dụng có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, rà soát dự án từ năm 2009-2013, trong hơn 800 dự án được rà soát, phân loại, ngoài các dự án đã chấp hành pháp luật, trong số 352 dự án có dấu hiệu vi phạm, có 160 trường hợp đã tự đưa đất vào sử dụng, thực hiện nghĩa vụ tài chính.
HĐND TP Hà Nội tái chất vấn các thành viên UBND Thành phố - Ảnh 1
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Trọng Đông
Từ nay đến cuối năm, có 20 trường hợp đã hoàn thành việc thanh, kiểm tra và dự kiến sẽ được thu hồi. Hiện Thành phố đã lập hồ sơ xong 15 dự án với 23ha; hoàn thành thu hồi 1 dự án với diện tích 3 ha.

Về nguyên nhân dự án chậm triển khai, đưa vào sử dụng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết là do khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian dài; chủ đầu tư năng lực hạn chế; Thành phố tiến hành rà soát để thực hiện quy hoạch sau khi mở rộng địa giới hành chính… Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục sàng lọc dự án, trong đó siết chặt việc quy định năng lực đầu tư, ký quỹ đầu tư khi triển khai dự án, thẩm định việc chấp hành đầu tư của chủ đầu tư với các dự án đã từng được giao triển khai…

Giám đốc Sở cũng cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ công bố công khai các dự án vi phạm, chậm triển khai trên cổng thông tin điện tử Thành phố và trang web của Sở, Bộ Tài nguyên Môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Vấn đề giải quyết chợ cóc, chợ tạm

Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, Sở đã tổng kiểm tra, rà soát và thống kê được 209 tụ điểm. Với sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết tình trạng này, đến nay còn 88 tụ điểm, trong đó tập trung ở quận Đống Đa với 13 tụ điểm, Hai Bà Trưng với 13 tụ điểm, Hoàng Mai với 9 tụ điểm, Nam-Bắc Từ Liêm với 22 tụ điểm... Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tổng kiểm tra các chợ của Hà Nội, qua đó thấy rằng vấn đề phòng chống cháy nổ tại các chợ hết sức bức xúc, nhiều chợ bố trí quầy hàng tùy tiện, lối đi cứu hỏa bị lấn chiếm, một số chợ vẫn cho thắp hương tại quầy hàng…

Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh nhận xét, các nhóm giải pháp giải quyết vấn đề của các sở, ngành khá đầy đủ, quan trọng là khâu tổ chức thực hiện và sự phối kết hợp giữa các sở, ngành cần hiệu quả hơn nữa, trong đó cần sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ UBND Thành phố.