Tham dự Hội nghị, về phía tỉnh Vĩnh Phúc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải, Phạm Quang Nguyên; Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Mạnh.
Về phía Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai.
Cùng dự có các Ủy viên Thường trực, lãnh đạo các Ban, lãnh đạo Văn phòng đoàn ĐB Quốc hội và HĐND 2 địa phương.
Cơ hội để 2 địa phương cùng học tập, trao đổi cách làm mới
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Đây là dịp, là cơ hội quý báu để TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc cùng nhau học tập, trao đổi, chia sẻ về những kết quả đạt được-đặc biệt là những mô hình, cách làm mới hiệu quả cũng như những kinh nghiệm trong hoạt động HĐND các cấp nói chung và công tác xây dựng, ban hành một số Nghị quyết có chính sách đặc thù nói riêng.
Thông tin về công tác tổ chức, hoạt động của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đầu nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP có 95 đại biểu, đến nay số đại biểu HĐND thành phố là 94 đại biểu. HĐND TP có 4 ban, mỗi ban gồm 15 thành viên, trong đó có 4 đại biểu chuyên trách.
Trong năm 2022, HĐND các cấp TP Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, có nhiều đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Đây cũng là năm HĐND TP tổ chức nhiều kỳ họp nhất từ trước đến nay (7 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ họp chuyên đề), ban hành 59 Nghị quyết.
Các nội dung được thông qua tại kỳ họp đều là những nội dung lớn, là những cơ chế chính sách quan trọng, tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền TP, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các vấn đề dân sinh như: Chương trình 3 mục tiêu y tế, giáo dục, văn hoá; chủ trương đầu tư và bố trí vốn cho dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; các biện pháp xử lý dự án chậm triển khai; Đề án phân cấp, uỷ quyền; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; các cơ chế chính sách đối với người có công, gia đình chính sách...
Trong năm 2022, Đảng đoàn HĐND TP Hà Nội đã trình Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành Đề án số 15 ngày 12/5/2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội” với 5 quan điểm chỉ đạo, 2 mục tiêu, 7 nhóm chỉ tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đây là nội dung rất quan trọng, là cơ sở chính trị, động lực để HĐND các cấp của TP Hà Nội hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ hơn.
Đến nay, qua theo dõi, cơ bản các cấp ủy Đảng, Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã đều đã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện. Hoạt động của HĐND các cấp đã có chuyển biến rõ nét. Một số nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án đã bước đầu đạt được kết quả tích cực, khẳng định vai trò quan trọng của cấp uỷ trong hoạt động của HĐND các cấp.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cũng khẳng định, thời gian trước, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng tham khảo một số kinh nghiệm hoạt động của HĐND TP Hà Nội, trong đó có hoạt động giám sát trực tiếp bằng hình ảnh chiếu tại phiên chất vấn. HĐND tỉnh đã áp dụng hình thức này, ban đầu cũng nhận sự phản ứng của các cơ quan chịu sự giám sát, song HĐND tỉnh vẫn quyết liệt thực hiện.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, trước đây, tỉnh Vĩnh Phúc có nguồn thu nội địa sau TP Hà Nội, nhưng gần đây đã đứng sau một số tỉnh, TP. Vì thế tỉnh nhận thấy cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để góp phần tăng trưởng chung của cả nước; HĐND tỉnh cũng cần ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn HĐND TP Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới, hiệu quả trong hoạt động để vận dụng vào hoạt động của địa phương.
Nhiều kinh nghiệm hay được chia sẻ
Tại hội nghị, HĐND TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã trao đổi về việc ban hành chính sách đặc thù cho ngành y tế, chính sách cho nhân viên y tế tổ dân phố, chính sách hỗ trợ tham gia BHYT- BHXH, các chính sách phát triển y tế ngoài công lập; Các chính sách đặc thù cho ngành giáo dục (chính sách cho giáo viên, học sinh và các hoạt động giáo dục) trong hệ thống giáo dục công lập, các chính sách để phát triển giáo dục ngoài công lập;
Đồng thời, ở lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch là sách hỗ trợ bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa; chính sách hỗ trợ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch...
Trong lĩnh vực kinh tế-ngân sách, 2 bên đã trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ các dự án đầu tư nước sạch tập trung, hỗ trợ giá nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ; chính sách hỗ trợ Cụm công nghiệp...; Chính sách và giải pháp thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; Chính sách về việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Đặc biệt, các ban HĐND TP Hà Nội cũng trao đổi với HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành các chính sách theo điều, khoản, điểm được giao kết hợp với chính sách đặc thù trong cùng 1 nghị quyết như thế nào? Các giải pháp và chính sách mà Hà Nội đã triển khai hiệu quả...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Hội nghị đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong hoạt động cơ quan dân cử của 2 cơ quan. Sau hội nghị, Thường trực HĐND 2 địa phương tiếp tục giao cho Văn phòng, các Ban HĐND 2 bên thường xuyên trao đổi thông tin, nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động cơ quan dân cử.