Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HĐND TP thông qua quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công

Thanh Hải - Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 15/5, tại Kỳ họp thứ 16, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội.

Theo đó, Nghị quyết này quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội, gồm: mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công, xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, hủy hoại và các hình thức xử lý tài sản công khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc quản lý sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền..

Đoàn chủ tọa điều hành Kỳ họp HĐND TP Hà Nội khóa XVI. 
Đoàn chủ tọa điều hành Kỳ họp HĐND TP Hà Nội khóa XVI. 

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP gồm: cơ quan Nhà nước; cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (sau đây gọi là tổ chức); đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công và mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Bố cục của Nghị quyết gồm 4 chương với 16 Điều. Trong đó, Quản lý, sử dụng tài sản công và mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm 8 Điều (từ Điều 4 đến Điều 11); Quản lý, sử dụng tài sản công trong một số lĩnh vực khác, gồm 3 Điều (từ Điều 12 đến Điều 14).

Nghị quyết quy định phân loại tài sản công" Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định tài sản công bao gồm 7 nhóm, gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Tài sản công tại doanh nghiệp; Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước; Đất đai; tài nguyên các loại (gồm tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân tạo).

Phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu, các quy định pháp luật hiện hành; phù hợp với quy định về phân cấp kinh tế - xã hội, tình hình thực tế và yêu cầu công tác quản lý tài chính, tài sản công của TP.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. 
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. 

Ngoài các nội dung tại Nghị quyết này, các nội dung khác về quản lý, sử dụng tài sản công và mua sắm hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.

Tài sản công được đầu tư, trang bị và sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

HĐND TP giao hàng năm, UBND TP báo cáo HĐND TP tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Đồng thời, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn thực hiện báo cáo HĐND cùng cấp (nếu có) tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của cấp mình theo quy định.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu trình bày Tờ trình tại Kỳ họp.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu trình bày Tờ trình tại Kỳ họp.

Cùng ngày, HĐND TP Hà Nội cũng thông qua quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đối với nguồn kinh phí thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của TP.

Trong đó, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền quyết định mua sắm các tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng; thủ trưởng các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TP.

Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ nguồn kinh phí ngân sách Trung ương giao UBND TP quản lý, thủ trưởng đơn vị dự toán cấp 1 được UBND TP giao quản lý, sử dụng kinh phí này là người có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản của nhiệm vụ có giá trị từ trên 50 triệu đồng; thủ trưởng đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ có thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của nhiệm vụ có giá trị không quá 50 triệu đồng.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền được giao tại Nghị quyết có trách nhiệm thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn, định mức, điều kiện, phương thức, trình tự thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản pháp luật có liên quan.

HĐND TP giao UBND TP triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, nếu vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung, UBND TP kịp thời báo cáo HĐND TP để giải quyết theo thẩm quyền.