Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HDT 10 - đối trọng của giống lúa thơm BT7

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/5, Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) tổ chức khảo nghiệm sản xuất giống lúa HDT 10 tại xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).

Đây là giống lúa do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - Bộ NN&PTNT) nghiên cứu, sản xuất.
Đại diện Viện Cây lương thực và cây thực phẩm giới thiệu về giống lúa HDT 10.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường, vụ Xuân năm 2017, địa phương triển khai trồng thí điểm giống lúa HDT 10 trên diện tích 5ha thuộc xứ đồng Cánh Gà, Đất Máy (xã Phú Thịnh). Đến nay, thời điểm thu hoạch lúa HDT 10 đã cận kề. Qua khảo sát đánh giá cho thấy, thời gian sinh trưởng của giống lúa HDT 10 tương đối ngắn (chỉ khoảng 130 ngày). Cây lúa cứng, bộ lá khỏe và xanh đậm, hạt xếp xít, dạng hạt thóc thon dài. Đặc biệt, cây có khả năng chống chịu tốt đối với một số bệnh phổ biến trên lúa như bạc lá, đạo ôn… Đánh giá sơ bộ dựa trên tỷ lệ đẻ nhánh, có thể cho năng suất đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha.
 Các đại biểu thăm quan mô hình khảo nghiệm sản xuất giống lúa HDT 10 tại xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc)
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên giống lúa HDT 10 được đưa vào sản xuất thử nghiệm. Từ năm 2012, HADICO đã có sự quan sát và đánh giá giống lúa trên trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia và sản xuất thử tại một số vùng Bắc Bộ. Trên địa bàn Hà Nội, giống lúa HDT 10 đã được trồng thử nghiệm tại các huyện Thường Tín, Đông Anh, Quốc Oai. Kết quả đánh giá trong vụ Mùa năm 2016 gần nhất cho kết quả rất tích cực.
Bên cạnh năng suất vượt trội đạt trung bình từ 6,5 - 7 tấn/ha (có nơi đạt gần 8 tấn/ha), HDT10 cũng ít nhiễm sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh bạc lá. Khả năng chống đổ, chịu rét khá. Hạt gạo thon dài, trắng trong, tỷ lệ gạo nguyên cám sau xát cao. Cơm mềm, dẻo và có mùi thơm nhẹ.
GS.TS.Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đánh giá, HDT 10 có nhiều đặc điểm vượt trội so với một số giống lúa đang được sử dụng phổ biến hiện nay như TBR225, HT1, Khang Dân… Trong đó, ưu điểm lớn nhất là khả năng kháng sâu bệnh hại, nhất là bạc lá trong vụ mùa. Điều này thậm chí còn có ý nghĩa hơn là năng suất đạt cao. So với BT7 - giống lúa thơm được đánh giá là tốt nhất hiện nay, HDT 10 có thời gian sinh trưởng tương đương. Tuy nhiên, khả năng kháng sâu bệnh hại phổ biến như khô vằn, bạc lá, rầy nâu tốt hơn. Ngoài ra, HDT 10 cũngcho năng suát cao hơn khoảng 10 - 15% so với BT7.
Đại diện Công ty HADICO phát biểu tại hội nghị
Cũng theo GS.TS.Viện sĩ Trần Đình Long, hạt gạo của giống HDT 10 nhỏ, thon dài, trắng trong tương đương giống BT7 và đang được thị trường rất ưa chuộng. Dù cơm của HDT 10 mềm và có vị đậm hơn, nhưng so với BT7 thì không thơm bằng. Đó có thể coi là đặc điểm yếu thế duy nhất của HDT 10 so với BT7. Dù vậy, với những đặc tính nổi trội nêu trên, ông Long cho rằng, HDT 10 xứng đáng được xếp ngang hàng với BT7 và phù hợp với sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao.
Ở một khía cạnh khác, TS Phạm Đồng Quảng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc đưa vào khảo nghiệm giống HDT 10 là một thành công nữa trong nỗ lực thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất, thông qua liên kết giữa các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp. Sắp tới, giống lúa HDT 10 sẽ được nghiệm thu và bổ sung vào cơ cấu giống giúp cải thiện năng suất, chất lượng của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam.