Triển lãm được chia làm 5 khu vực do nhóm Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đồng thực hiện. Triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội và khai phá tinh thần sáng tạo để thiết kế không gian đổi mới kiến tạo giá trị văn hóa.
Triển lãm chia làm 5 khu vực. Trong đó, khu vực 1 trưng bày nghiên cứu và tiến trình lịch sử của 12 nhà máy trong địa bàn Hà Nội. Thực hiện bởi Hà Nội Ad Hoc.
Không gian sẽ trưng bày nghiên cứu và hồ sơ lưu trữ của 12 nhà máy nổi bật ở Hà Nội, đặc biệt là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Mỗi nghiên cứu này tái hiện dòng lịch sử hình thành của từng địa điểm và trình chiếu những tư liệu liên quan đến phối cảnh, Tổng mặt bằng và tư liệu ngắn. Ngoài ra, khu vực sẽ chiếu bộ phim tư liệu tái hiện đời sống của những nữ công nhân làm việc trong các nhà máy quốc doanh, từ đó chất vấn mối quan hệ giữa các thực thể kiến trúc và kí ức tập thể, con người.
Khu vực 2, trưng bày các hiện vật của nhà máy xe lửa Gia Lâm. Không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật được tạo tác từ chất liệu công nghiệp, thực hiện bởi những nghệ sỹ khách mời: Nghệ sĩ điêu khắc Vy Trịnh và Nghệ sĩ - Giám tuyển - Nhà nghiên cứu Jennifer Vanderpool.
Khu vực 3 tương tác cộng đồng, người xem có thể tương tác trực tiếp với bản đồ của 170 nhà máy và khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, bao gồm thông tin cụ thể, vị trí của từng nhà máy. Ngoài ra, không gian còn trưng bày mô hình vật lý thực của nhà máy xe lửa Gia Lâm và trình chiếu những hình ảnh sáng tạo, đề xuất hướng phát triển không gian và chức năng nhà máy xe lửa. Cuối cùng là những đồ án ấn tượng đoạt giải trong Cuộc thi thiết kế nhanh 72 giờ, để gợi mở những khả thể về tương lai của các di sản công nghiệp tại Hà Nội.
Khu vực 4, là triển lãm “Đánh thức di sản” của Đại học Xây dựng Hà Nội. Thông qua triển lãm, bằng các giải pháp không gian sáng tạo, sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà nội đã đề xuất đánh thức không gian di sản, thổi sức sống mới vào các không gian xưa cũ, tái truyền tải các mã gene văn hóa vào thế hệ trẻ ngày nay.
Khu vực 5 diễn ra triển lãm do Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức với chủ đề “Tiếp cận mới kiến trúc công nghiệp”. Trong triển lãm, các sinh viên kiến trúc đưa ra các giải pháp thiết kế tiếp cận với thực tiễn để giúp cho mỗi nhà máy sẽ có những cá tính riêng đồng thời làm mềm mại hơn, đổi mới hơn phong cách truyền thống của kiến trúc công nghiệp.